Đời sống

Con lười vì bố mẹ quá chăm lo

Cha mẹ ơi, lười một chút, bớt lo đi một chút, các bạn sẽ nhận về một đứa con chủ động hơn đấy!

Tôi biết (và cũng nghe rát tai rồi) những câu kiểu: Hò chúng như hò đò còn không ăn thua, anh bảo chúng tôi lười đi có mà hỏng bét chúng nó. Tôi biết (và cũng tin luôn) rằng nhiều cha mẹ chứng minh việc họ thử kệ con và kết quả là con kệ luôn mọi thứ. Học hành bết bát, việc nhà lười nhác, sống như… bãi rác. Nói chung là tan nát. Vậy nên, bảo cha mẹ lười đi thật sự chẳng khác nào bảo cha mẹ mang xấp tiền bỏ giữa phố và tin vào sự tử tế của cuộc đời, xấp tiền nằm nguyên vẹn, ai đó nhặt được sẽ mang đến trả lại mình vậy. Rõ là hoang đường, phỏng ạ? Con cái là kim cương của cha mẹ, không chăm, không lo sao nó lấp lánh cho nổi?

Và vì con là kim cương nên cha mẹ nào cũng muốn phải gìn giữ thật kỹ, chà xát nó thật nhiều để nó không bị xỉn màu, để nó ngày một lấp lánh hơn. Thậm chí phải đẽo gọt nó để nó vừa vặn với chiếc nhẫn (là cha mẹ). Nên nhiều cha mẹ chỉ muốn con mình lấp lánh mà làm mọi điều trong khả năng của mình, thậm chí phải kiễng chân, gồng mình, phồng mang trợn mắt đôi khi. Nên nhiều cha mẹ xót con, thương con, lo cho tương lai của con mà phải thành cha dữ- mẹ ác. Nên nhiều cha mẹ sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời mình cho con vì muốn con trở thành một đứa trẻ hạnh phúc nhất. Ám ảnh con cái phải được hạnh phúc khiến nhiều cha mẹ chịu nhiều đau khổ nhất có thể, cơm nhịn nhường con, áo mình mảnh đi để con được ấm, cắt thịt mình đắp vào con.

Gượm đã, cha mẹ à! Bao nhiêu cha mẹ biết điều này: Con hạnh phúc vì cha mẹ chúng là người hạnh phúc. Nếu cha mẹ cứ thấy mình là cha mẹ khổ sở, bất hạnh thì con làm sao hạnh phúc cho nổi? Nếu cha mẹ lúc nào cũng đầy ắp lo âu, căng cứng cuộc đời bởi những kiễng chân, gồng mình thì làm sao con cái cảm thấy thoải mái cho nổi? Yêu thương khiến chúng ta kỳ vọng. Kỳ vọng lại tạo ra áp lực. Con càng hiểu chuyện, càng yêu thương cha mẹ thì càng dễ bị áp lực vì phải sống xứng đáng với yêu thương của cha mẹ. Lũ chúng nó luôn nhìn nét mặt, cảm xúc của cha mẹ mà sống đấy. Là tôi nói về những đứa trẻ yêu thương cha mẹ. Còn những đứa trẻ ích kỷ, không quan tâm đến cha mẹ, chỉ nghĩ đến bản thân thì cha mẹ hy sinh thế nào với chúng cũng là chuyện mặc định. Vì ông bà là cha sinh mẹ đẻ của tôi thì ông bà phải vậy thôi. Nên đằng nào cũng thế, có một đứa con hiểu chuyện hay một đứa trẻ vô tâm, làm cha mẹ của đứa trẻ nào cũng thập phần khổ sở.

Cha mẹ bớt chăm- lo con cái hơn sẽ giúp những đứa trẻ hiểu chuyện sẽ bớt áp lực. Còn những đứa trẻ ích kỷ- vô tâm sẽ phải tự lăn và tự hiểu: Không có gì là miễn phí ở đời, bố mẹ cũng không phải là người ở không công, nếu không biết trân quý những gì cha mẹ đã làm cho mình thì sẽ không xứng đáng được nhận. Sau này ra đời, không có bố mẹ ở bên, con phải sống sao?

Là trao quyền cho con và gắn vào nó trách nhiệm. Phân công trách nhiệm 2 bên rõ ràng. Là trợ giúp con bằng giải pháp thay vì làm thay con hay phán xét con, kỷ luật con. Là đồng hành cùng con bằng lòng tin nhiều hơn dành cho con. Tin rằng con là một đứa trẻ ổn, thứ chưa ổn của con chỉ là thời gian và sự trưởng thành. Cha mẹ cả đời chứ đâu chỉ trong phút mốt? Bớt lo lắng đi, chúng ta hay lo là vì chúng ta thiếu kiến thức, thiếu kiên nhẫn, thiếu lòng tin thôi mà. Sắp xếp lại những lo lắng. Cháo nóng húp quanh, rồi thì mọi thứ sẽ ổn. Kiên nhẫn với con thay vì sốt ruột. Hành trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ cũng vất vả y như hành trình làm cha mẹ vậy. Hiểu điều đó sẽ khiến cha mẹ bao dung hơn với con cái mình, chịu chia sẻ với con mình nhiều hơn sự vất vả của chính chúng ta và các con. Hãy cùng con tạo nên hạnh phúc thay vì chỉ mình bạn phải chịu trách nhiệm với hạnh phúc của con.

Thử đi, bạn sẽ bất ngờ với những khả năng của con trong việc khiến bạn hạnh phúc đấy!

Nhà văn Hoàng Anh Tú