Đời sống

Con không cần là kim cương

Người ta bảo: Áp lực tạo ra kim cương, tôi lại nghĩ coi lũ trẻ là kim cương thì lũ trẻ sẽ bị áp lực.

Con là một viên kim cương của cha mẹ. Hầu hết mọi người cha, người mẹ bình thường đều như vậy. Chúng ta coi con như tài sản giá trị liên thành của đời mình. Nhiều người cha, người mẹ sẵn sàng bán thận nuôi con, trở thành hổ dữ nếu như ai đó làm tổn hại con mình. Chúng ta ai mà không yêu con, ai mà không dùng cả sinh mạng của mình để bảo vệ con. Nói con là viên kim cương lẽ là hơi… rẻ. Phần đa cha mẹ còn coi con giá trị cao hơn toàn bộ số kim cương trên Trái Đất này, trong đó có cả tôi, tất nhiên!

Nhưng. Nhưng vì con là kim cương, con là vàng, con là bạc, chúng ta đôi khi vô tình tạo áp lực lên con. Như muốn viên kim cương lúc nào cũng sáng bóng mà chúng ta chà sát con bằng sự kỳ vọng của mình. Coi con là tương lai của đời mình nên ai cũng muốn tương lai ấy phải sáng lạn. Vì yêu con, chúng ta luôn muốn con có được những điều tốt nhất mà không ngần ngại làm những điều xấu. Nhiều cha mẹ tù tội vì chạy điểm cho con đấy thôi. Vì yêu con, sợ mất con mà chúng ta xây đủ mọi lệnh áp đặt vào con, xây tường thép quanh con. Càng sợ xã hội ngoài kia chúng ta càng tôn lên nhiều bức tường, xây hào sâu, gia tăng sức mạnh xung quanh con để bảo vệ con mình. Những đứa trẻ bị đặt vào môi trường vô trùng bằng nỗi sợ hãi của cha mẹ. Như dịch Covid này, nhiều cha mẹ kiên quyết không muốn con tới lớp vì sợ con nhiễm. Chúng ta yêu con vậy có sai không? Thật, không sai. Cha mẹ mà! Nhưng với các con, đó là một áp lực.

Lũ trẻ không bao giờ hiểu việc cha mẹ yêu mình, muốn bảo vệ mình. Lũ trẻ chỉ hiểu cha mẹ đang không tin mình, áp đặt mình, dữ dằn với mình. Là bởi chúng đã bao giờ là người lớn đâu, chúng chưa bao giờ làm cha mẹ cả. Chỉ đến khi làm cha mẹ rồi chúng ta mới hiểu vì sao cha mẹ ta hành xử như vậy khi xưa mà, đúng không? Nên cha mẹ ạ, chúng ta có nên coi con mình như kim cương không?

Không coi con như kim cương thì coi con là gì? Yêu con thế nào cho đúng? Làm sao để con không phải áp lực vì con là con của cha mẹ yêu con thái quá? Tôi nghĩ đó là TRÁCH NHIỆM. Là hãy cho con cơ hội để con chịu trách nhiệm nhiều hơn. Với chính bản thân chúng trước nhất. Như việc học hành. Hãy cho con quyền tự chịu trách nhiệm với việc học của con. Là con học cho chính con chứ không phải học cho cha mẹ. Học giỏi thì cái gì cũng được, học kém thì quyền lợi nhận ít đi, không học thì mất quyền. Luôn là vậy, trách nhiệm càng cao thì quyền lợi càng rộng. Và luôn rõ ràng. Như 3 đứa trẻ nhà tôi chúng có thể dùng điện thoại cả ngày nếu như chúng đã hoàn tất mọi bài vở trước đó, hoàn tất những trách nhiệm của chúng ở nhà. Cha mẹ buộc phải tuân thủ với những quy định mình đã đề ra. Bằng sự tôn trọng và gìn giữ những nguyên tắc đó.

Vợ chồng tôi chưa bao giờ coi con mình là kim cương cả. Chỉ muốn chúng bình thường bởi vợ chồng chúng tôi chẳng phải kẻ phi thường. Vợ chồng tôi cũng có những giấc mơ. Nhưng đó là giấc mơ của riêng 2 vợ chồng. Lũ trẻ không liên quan. Cuộc đời chúng là cuộc đời của chúng. Nếu lỡ mai này chúng không vẽ ra được giấc mơ của chúng thì về đây sống ké bố mẹ. Đằng nào chả thế, chúng ta sinh ra chúng và chúng ta phải làm cha mẹ chúng suốt đời mà. Chạy trời sao khỏi nắng? Thế nên kệ đi! Tốt thì tốt mà không tốt cũng chẳng bỏ chúng được. Miễn là đừng làm hại người khác bởi sự bất tài của mình. Có hại thì hại bố mẹ là đủ rồi. Chẳng có cha mẹ nào sinh con ra mà muốn con sau này là cướp cả. Nhưng nhiều kẻ cướp đều là những kẻ bị cha mẹ ngừng lại việc yêu thương chúng đấy thôi!

Tất cả mọi thứ đều không miễn phí, trừ yêu thương mà cha mẹ dành cho con. Miễn phí và vô điều kiện. Nuôi con là những kỳ công nhưng không đặt ra kỳ vọng. Nghĩ vậy chúng ta sẽ không tạo ra áp lực cho các con. Mà vui vẻ sống cùng các con. Và yêu thương thì phải vui mà, đúng không? Thế nên thi thoảng vẫn cứ ôm nhau 1 cái, khoác vai nhau một cái, thơm trán thơm má nhau 1 cái. Lớn cũng như bé, các con có 30 tuổi bố mẹ vẫn cứ thơm con, sến kệ, chả sao. Chúng mình là cha mẹ và con cái với nhau suốt đời mà. Học dốt hay học giỏi cũng sẽ nhận được yêu thương y chang, vì yêu thương là miễn phí, là nền tảng vậy. Các con không cần phải thực hiện giấc mơ nào giùm cha mẹ cả. Hãy học cách chịu trách nhiệm với chính bản thân mình, vậy thôi! Tự khắc, cha mẹ cũng sẽ thành viên kim cương của đời chúng và ngược lại!

Nhà văn Hoàng Anh Tú