Thế giới

“Cơn khát” LNG của châu Âu khiến châu Á lao đao

Trước sức ép phải đẩy nhanh quá trình “cai nghiện” năng lượng Nga, châu Âu đang cố gắng giành giật từng m3 khí ở bất cứ nơi nào có sẵn và sẵn sàng trả giá cao hơn.

Khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã phần nào giúp lấp đầy khoảng trống trong cơ cấu năng lượng của châu Âu kể từ khi châu lục này buộc phải “cai nghiện” năng lượng Nga. Mặc dù nhu cầu của châu Âu tăng lên, nhưng năng lực xuất khẩu LNG nói chung của các nhà cung cấp trên toàn cầu là không đổi. Điều đó nghĩa là một số quốc gia sẽ không thể tiếp cận nguồn năng lượng này và phải chịu cảnh tối tăm, giá lạnh.

Các nước châu Âu đã mua nhiều LNG vào năm 2022 hơn bất kỳ năm nào trước đây. Sự gia tăng nhu cầu năng lượng xảy ra trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, với việc chính phủ nhiều nước châu Âu đang vận lộn nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga càng nhanh càng tốt.

Trong 9 tháng, từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, nhu cầu về LNG của các quốc gia châu Âu đã tăng đột biến, theo dữ liệu do đơn vị phân tích Dịch vụ Tình báo Hàng hóa Độc lập (ICIS) cung cấp cho DW.

Ví dụ, nhu cầu ở Pháp tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021, Hà Lan tăng 109% và Bỉ tăng 157%.

Tuy nhiên, “cơn khát” LNG của châu Âu đang gây ra những hậu quả tiêu cực đối với các quốc gia ở các khu vực khác trên thế giới vốn từ trước đến nay vẫn nhập khẩu loại nhiên liệu siêu lạnh này với khối lượng lớn.

Các hầm chứa khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại nhà ga Yukonhaven ở Cảng Rotterdam, Hà Lan. Ảnh: Bloomberg

Giá cả đang tăng vọt trong khi lượng LNG được đưa ra thị trường lại ít đi, khiến loại nhiên liệu này trở thành một lựa chọn kém khả thi hơn nhiều đối với các nước nghèo hơn.

“Châu Âu vẫn có thể mua được LNG bằng cách trả nhiều tiền hơn so với các thị trường khác”, ông Alex Munton, một nhà phân tích LNG của đơn vị tư vấn về năng lượng Rapidan, nói với DW.

Các số liệu của ICIS xác nhận mức độ giảm nhu cầu LNG ở các quốc gia bên ngoài châu Âu, đặc biệt là ở châu Á. Ở Bangladesh, nhu cầu giảm 10% so với năm 2021, ở Pakistan giảm 19%, trong khi ở Trung Quốc giảm 22%.

Giành giật từng m3 khí

Hậu quả của nguồn cung nhiên liệu giảm đối với một số quốc gia đã rõ ràng. Tuần trước, Bangladesh đã trải qua đợt mất điện tồi tệ nhất trong gần một thập kỷ với hơn 100 triệu người sống trong cảnh tăm tối trong nhiều giờ liền khi lưới điện quốc gia sập.

Trong nhiều tháng qua, quốc gia Nam Á này đã phải vật lộn để đảm bảo mua được đủ lượng khí đốt trên các thị trường toàn cầu.

Ông Mohammad Tamim từ Đại học BRAC ở thủ đô Dhaka cho biết, những đợt mất điện ở Bangladesh có liên quan đến tình trạng thiếu năng lượng, mặc dù lý do lớn hơn là lưới điện quốc gia cần được nâng cấp.

Ông nói với DW: “Chủ yếu đó là một thách thức về vận hành hệ thống. Hoạt động của hệ thống độc lập chưa được cập nhật, và chúng tôi cần một lưới điện thông minh vì các nhà máy điện lớn hơn đang đi vào hoạt động”.

Một khu dân cư ở thủ đô Dhaka, Bangladesh hồi tháng 8/2022, trong thời gian mất điện do quá tải. Ảnh: RTE

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các quốc gia như Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi những thay đổi đối với thị trường LNG vào năm 2022.

“Châu Âu đang cố gắng giành giật từng m3 khí ở bất cứ nơi nào có sẵn”, ông Tamim nhận định. “Họ đang mua mọi thứ, bao gồm khí đốt trên thị trường giao ngay đến theo hợp đồng tương lai. Và sức mua của họ cao hơn nhiều so với các nước đang phát triển. Vì vậy, rõ ràng là các nước như Bangladesh, Ấn Độ và Pakistan đã bị ảnh hưởng rất nặng nề”.

Phá vỡ hợp đồng để ăn chênh lệch

Pakistan đang ở giữa một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Tuần trước, nước này đã không thể giành được thỏa thuận về giao nhận LNG mỗi tháng trong vòng 4-6 năm. Trong nhiều tháng, Pakistan cũng đã phải vật lộn để mua LNG trên các thị trường giao ngay ngắn hạn.

Một trong những vấn đề lớn mà các quốc gia như Pakistan phải đối mặt về nguồn cung LNG là bản chất của các hợp đồng mà họ đã ký với các nhà cung cấp.

Pakistan đã ký hợp đồng với các công ty thương mại, vốn chỉ là bên trung gian cung ứng chứ không trực tiếp sản xuất LNG. Các hợp đồng thường bao gồm các điều khoản phá vỡ, có nghĩa là các nhà cung cấp có thể bán LNG cho các thị trường khác nếu họ muốn trong ngắn hạn. Họ chỉ phải trả một khoản phạt trong trường hợp đó.

Việc có thể bán LNG với giá hời ở những nơi khác cho phép họ dễ dàng trả khoản tiền phạt và vẫn thu được lợi nhuận đáng kể.

Cảng South Hook gần Milford Haven, Anh, là cơ sở tiếp nhận LNG và tái khí hóa lớn nhất ở Châu Âu. Ảnh: Webbaviation

Ông Munton giải thích với ví dụ cụ thể: Một công ty thương mại đã ký hợp đồng cung cấp LNG dài hạn với Pakistan, nhưng khi thấy có cơ hội thu lợi cao hơn từ việc bán cho châu Âu, họ sẵn sàng trả một khoản phạt phá vỡ hợp đồng để chuyển hướng lô hàng đó.

Khoản chênh lệch hấp dẫn đến mức có thể khuyến khích họ trả khoản tiền phạt. “Và đó là những gì đang xảy ra”, ông lưu ý.

Việc Pakistan không thể mua đủ nhiên liệu đồng nghĩa với việc tình trạng thiếu điện có thể trở thành hiện thực lâu dài ở nước này. Chính phủ Pakistan cho biết, họ đang không thiếu nhiên liệu, nhưng họ đã đưa ra một số biện pháp để cố gắng giảm mức tiêu thụ nhiên liệu trên toàn quốc.

Đây là một mối đe dọa lớn đối với một nền kinh tế vốn đang chịu nhiều áp lực. Vào cuối tháng 8, IMF đã thông qua khoản cứu trợ trị giá 1,1 tỷ USD (1,13 tỷ Euro) cho Pakistan.

Chờ công suất mới

Đối với Bangladesh, những lo lắng về năng lượng đe dọa đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của nước này. Dự báo tăng trưởng của đất nước đã bị cắt giảm mạnh trong những tháng gần đây.

“Đó chủ yếu là do sự thiếu hụt năng lượng”, ông Tamim của Đại học BRAC nói. “Nó ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến ngành may mặc. Đặc biệt là ngành dệt và kéo sợi đang gặp khó khăn do tình trạng bị cắt điện và thiếu khí đốt. Vì thiếu khí đốt, các nhà máy không thể vận hành thường xuyên. Có rất nhiều thời gian bị gián đoạn, đặc biệt là ở sản xuất theo lô. Nếu gặp phải sự gián đoạn, toàn bộ lô hàng đó sẽ bị phá hủy”.

Theo ông Munton, áp lực trên thị trường LNG toàn cầu sẽ không sớm giảm xuống. Nhu cầu của châu Âu sẽ vẫn mạnh nhưng sẽ có rất ít công suất xuất khẩu LNG bổ sung trong vài năm tới.

“Nếu thế giới đột nhiên cần nhiều LNG hơn, hoặc nếu có một số thị trường nhất định như châu Âu đột nhiên cần nhiều LNG hơn, thì các nhà cung cấp sẽ không thể tạo ra nhiều tổng cung hơn”, ông nói. “Họ chỉ có thể cung cấp nhiều hơn bằng cách chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, và buộc các quốc gia khác tiêu thụ ít hơn. Vì lượng cung trên thế giới là cố định”.

Cơ sở xuất khẩu Khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) Sabine Pass của Cheniere Energy Inc., Mỹ. Ảnh: Power Engineering

Trên toàn cầu, đầu tư vào cơ sở hạ tầng LNG mới sẽ tăng lên 42 tỷ USD vào năm 2024, theo nghiên cứu của hãng tư vấn Rystad Energy. Khoản đầu tư đó sẽ gấp 20 lần số tiền vào năm 2020 khi chỉ có 2 tỷ USD dành cho phát triển LNG.

Rystad cũng cho biết, các cơ sở mới sẽ giúp tăng gấp đôi tổng nguồn cung LNG lên khoảng 636 triệu tấn vào năm 2030.

Như vậy, việc đầu tư mạnh vào LNG sẽ giúp tạo ra công suất mới đáng kể. Nhưng từ giờ đến lúc đó, cạnh tranh về nhiên liệu sẽ tiếp tục, khiến một số quốc gia phải chịu giá lạnh.

Minh Đức (Theo DW, Reuters)