Tài chính - Ngân hàng

Con đường làm giàu của ông Trịnh Văn Quyết: Từ cậu sinh viên nghèo không có xe đạp đến ông chủ hãng hàng không Bamboo Airways

Ông chủ Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết từng sở hữu khối tài sản gần 60.000 tỷ đồng, vượt tỷ phú Phạm Nhật Vượng giữ vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán trong năm. Thế nhưng ít ai biết, chàng thanh niên Trịnh Văn Quyết từng có thời kỳ khốn khó tới nỗi không có xe đạp để đi, dấn thân vào thương trường bằng nghề buôn điện thoại cũ.

Ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975 tại một gia đình công chức nghèo ở Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Quyết vào TP.HCM học sửa chữa điện tử và nuôi ước mơ vào Đại học.

Sau 2 năm làm thợ sửa chữa, tranh thủ học vào buổi tối, hè năm 1996, chàng trai nghèo quê Vĩnh Phúc liền lúc nhận giấy báo trúng tuyển vào 3 trường đại học. Ông quyết định chọn đại học Luật Hà Nội để theo học.

Năm 1995, chàng thanh niên Trịnh Văn Quyết khi ấy mới 20 tuổi, bắt đầu bước chân vào giảng đường đại học Luật Hà Nội.

Chân dung tỷ phú Trịnh Văn Quyết.

Hoàn cảnh khi ấy khó khăn tới mức ông Quyết từng chia sẻ: "Khi còn là sinh viên, tôi thậm chí còn không thể mua nổi một chiếc xe đạp".

Nhưng, thời điểm đó cũng là lúc Mỹ dỡ bỏ cấm vận kinh tế với Việt Nam. Những người nhanh nhạy nhanh chóng nắm bắt được cơ hội đầu tư lớn.

Tuy nhiên cậu sinh viên năng động Trịnh Văn Quyết không bắt đầu ngay với nghiệp buôn bán mà khởi sự với công việc gia sư, rồi văn phòng gia sư.

Những người bạn học của ông Quyết hồi ấy còn nhớ mãi hình ảnh cậu thanh niên gầy gò với vầng trán cao và đôi mắt sáng miệt mài trên giảng đường, luôn xuất sắc trong các môn học nhưng cũng đặc biệt nhanh nhạy với thời cuộc.
 
Nhận thấy nhiều em sinh viên ôn thi đại học vất vả mà không "chọn được mặt để gửi vàng", ông Quyết lập văn phòng gia sư - một trong những trung tâm gia sư đầu tiên tại Hà Nội với đội ngũ gia sư lên đến cả nghìn sinh viên. 

Tài kinh doanh của ông chủ tập đoàn FLC được bộc lộ từ thời sinh viên.

Tích cóp được chút vốn, ông gia nhập ngành kinh doanh điện thoại di động cũ lúc đó chưa phát triển mạnh.

Với thu nhập trung bình chỉ khoảng 300 USD/người (tương đương 3,3 triệu đồng thời điểm đó), không nhiều người Việt sở hữu được một chiếc điện thoại di động, vốn được xem là món hàng xa xỉ với giới kinh doanh chứ chưa nói đến sinh viên đại học.

“Thời ấy nhiều người có tâm lý ngại mua điện thoại di động tại cửa hàng vì sợ giá đắt, sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, họ lại tin rằng hàng đang dùng là loại tốt, mà giá chắc chắn rẻ hơn”, Quyết nhận xét về tâm lý người tiêu dùng lúc đó.

Với đầu óc kinh doanh nhanh nhạy, độc đáo, cậu sinh viên trường Luật cũng chọn cách buôn điện thoại cũ chẳng giống ai. Thay vì mở cửa hàng, cậu chọn cách đăng rao vặt trên báo – điều rất hiếm người làm lúc đó.

Hiệu quả của quảng cáo thời điểm đó rất lớn, giúp Trịnh Văn Quyết bán được khá nhiều điện thoại di động cũ, quay vòng vốn nhanh.

“Nhiều người nghe kể lại thì không tin, nhưng với cách đó, lượng bán của tôi vượt cả chục cửa hàng lớn ở Hà Nội. Bán một chiếc điện thoại có khi thu lãi cả triệu đồng nên tôi đủ lo cả tiền sinh hoạt, học phí cho mình cũng như nuôi 2 em gái”, ông Quyết từng tâm sự.

Khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn.

Cơ hội lớn đến với chàng thanh niên khi các nhà mạng chuẩn bị kinh doanh sim trả trước. Dự báo thị trường sẽ lên cơn sốt, ông Quyết ngừng bán, dồn tiền và vay thêm từ nhiều nguồn để gom điện thoại cũ xếp đầy một góc nhà trọ.

Ông Nguyễn Tiến Đức, Chủ tịch HĐQT AMD Group – một người bạn chơi với Trịnh Văn Quyết từ thời sinh viên – kể lại: “Lúc đó, bạn bè ai cũng sợ, chẳng hiểu cậu này làm ăn kiểu gì, ế thì đổ nợ”.

Thế nhưng, không ai ngờ là Quyết đã tính đúng.

Ngay khi các nhà mạng bắt đầu cung cấp sim trả trước, nhu cầu về điện thoại di động tăng vọt, bao nhiêu hàng của cậu sinh viên trường Luật cũng không đủ để bán.

Cũng với cách thức tương tự, ông chủ tập đoàn FLC khi đó đầu tư kinh doanh thêm đồ gỗ và tivi. Như ông Quyết từng tiết lộ, thực tế một số đồ gỗ bán tại phòng trọ là hàng mua trên phố Đê La Thành (Hà Nội), còn tivi là từ chợ trời.

Trịnh Văn Quyết từng tâm sự: “Cùng cái tủ gỗ hoặc tivi đó nhưng bán với hình thức là đồ mình chọn và đã dùng rồi thì người ta thích mua hơn. Tất nhiên những món mình bán đều đã được chọn kỹ nên nhìn sẽ khác so với hàng bày đại trà”.

Chủ tịch AMD Group đúc rút ra 6 điểm đặc biệt của ông Quyết: Một là nhìn thấy trước nhu cầu sắp bùng nổ của thị trường; hai là tạo được lòng tin với những người làm cùng, đối tác; ba là hiểu cách làm người ta biết đến mình; bốn là tiếp cận và phục vụ nhu cầu của số đông; năm là sử dụng công nghệ thông tin; và cuối cùng là đi theo cách riêng”.

Chủ tịch AMD Group nhận xét, việc Quyết buôn điện thoại di động cũ cũng có nhiều điểm giống với làm bất động sản sau này, chỉ khác nhau về quy mô và mức độ phức tạp.

“Bán di động cũ cũng phải biết huy động vốn khi mà mình không đủ tiền và biết tạo lòng tin nơi bạn bè, đối tác như lúc kinh doanh bất động sản”, ông Đức nói.

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã hiện thực hóa "giấc mơ bay" với hãng hàng không Bamboo Airways.

Vốn có máu kinh doanh, ra trường, Quyết mở công ty tư vấn đầu tư, rồi văn phòng luật sư.

Công ty Tư vấn luật SMiC - chuyên tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, các vấn đề sở hữu trí tuệ của ông đã ghi dấu ấn qua vụ Honda Vietnam tranh chấp với công ty GMN về khoản 2,2 triệu đô la Mỹ tiền đền bù đất đai ở Hưng Yên; vụ giúp Techcombank thắng kiện một nhóm khách hàng năm 2005... 

Ông chủ FLC từng cho biết, chính nghề luật sư đã giúp ông tích lũy kiến thức cũng như tạo ra cơ hội để đến con đường làm doanh nhân. Ông thừa nhận, nghề thầy cãi khiến ông luôn thận trọng vì thế, dù đầu tư rất nhiều dự án song nó phải chắc chắn ông mới làm chứ không mạo hiểm.

Thành công ở lĩnh vực chuyên môn nhưng kinh doanh phòng công chứng mới là một ví dụ điển hình khác về tư duy đón đầu nhu cầu của Trịnh Văn Quyết.

Trước khi Luật Công chứng có hiệu lực, Quyết thuê một văn phòng lớn ở phố Hoàng Ngân, Trung Hòa (Hà Nội). Hầu hết diện tích để trống, chỉ có vài nhân viên ngồi làm việc để “chờ thời” với giá thuê lên tới vài chục triệu đồng/tháng nhưng Quyết vẫn “nghiến răng” chờ đợi.

Tháng 7/2008, Phòng công chứng Hà Nội của Trịnh Văn Quyết trở thành văn phòng công chứng tư có giấy phép số 01 tạiTthủ đô và cũng khai trương đầu tiên.

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết đeo tạp dề, vào bếp làm bữa tối phục vụ các cán bộ, nhân viên nữ của FLC nhân dịp 8/3.

Khách đến Phòng công chứng Hà Nội được phục vụ gửi xe, nước uống miễn phí và với thái độ hoàn toàn khác so với công chứng Nhà nước. Đặc biệt, địa điểm này nằm ở ngã tư rất rộng nên khách đi ô tô đỗ xe khá thuận tiện. Đây là nhân tố góp phần giúp nơi đây đông nghẹt khách VIP mà theo tiết lộ của Quyết “tiền trả thuê nhà cả năm tôi thu lại chỉ trong 1 ngày”.

Ngoài những biệt tài trên thương trường, ông Quyết còn có thú vui chơi siêu xe. Năm 2014, ông Quyết có kế hoạch mua hai máy bay trực thăng để kinh doanh dịch vụ du lịch.

Thế nhưng, cái gì cũng có giá của nó. Như ông Quyết từng chia sẻ thì để có một sự nghiệp rực rỡ như hôm nay, ông đã phải đánh đổi nhiều thời gian của gia đình lớn và gia đình nhỏ.

Khoảnh khắc hạnh phúc của vợ chồng tỷ phú Trịnh Văn Quyết.

Bản thân ông một ngày làm việc trên 10 giờ, thời gian ngủ chỉ có từ 4-5 giờ, thời gian quý giá và bận rộn từng phút nên ông luôn phải cố gắng cân đối thời gian và cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp.

"Thời gian vô cùng ít ỏi nên tôi nhiều khi không đáp ứng được “đối nhân xử thế” cho họ hàng, gia đình, vợ con. Đặc biệt vợ con hi sinh nhiều. Chân thành thì tôi vẫn chưa trở thành người chồng, người cha đúng như gia đình mong đợi bởi phải hi sinh cho sự nghiệp, cho công việc", ông Quyết tâm sự.

Khởi nghiệp từ tay trắng, song đến hiện tại, ông Quyết từng có hai năm liên tiếp nằm trong top những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, là một trong 5 luật sư được vinh danh trong chương trình hãng luật và luật sư tiêu biểu.

Lê Lan (Tổng hợp)