Tài chính - Ngân hàng

"Cơn đau đầu" của PVC sau 11 năm Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch

Kể từ năm 2009, khi Trịnh Xuân Thanh lên làm Chủ tịch HĐQT PVC và cả sau khi ông này bị truy nã, bắt giữ để điều tra, tình hình kinh doanh của PVC vẫn còn nhiều vấn đề khiến dàn lãnh đạo đau đầu.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc hủy niêm yết bắt buột đối với 400 triệu cổ phiếu PVX của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) vào ngày 9/6/2020.

Lý do bởi tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC hợp nhất và riêng lẻ năm 2019 của PVX, thuộc trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.

Hậu thời kỳ Trịnh Xuân Thanh, PVC vẫn làm ăn bết bát.

Đơn vị kiểm toán đưa ra 10 cơ sở của việc từ chối cho ý kiến kiểm toán. Một số cơ sở như lỗ lũy kế khoảng 3.899 tỷ đồng, nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 563 tỷ đồng, thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn, nợ quá hạn thanh toán 1.011 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo đơn vị kiểm toán, PVC còn không thu thập bằng chứng kiểm toán tại các đơn vị thành viên như Petroland, Khách sạn Lam Kinh, PVC MS, dự án Dầu khí Thái Bình, Dầu khí Đông Đô...

Theo báo cáo của doanh nghiệp (chưa có ý kiến của kiểm toán), công ty lỗ gần 393 tỷ đồng trong năm 2019 và nâng lỗ lũy kế 3.899 tỷ trên vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp bị lỗ, cũng thuộc trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc.

Xem thêm: Biệt thự triệu USD của Trịnh Xuân Thanh tại đỉnh Tam Đảo bị phong tỏa

Lý giải về điều này, PVX cho rằng trong những năm qua các Công ty con, liên kết và đầu tư dài hạn khác của PVX hầu hết có kết quả kinh doanh thua lỗ do nguồn công việc rất hạn chế, thị trường bất động sản gặp khó khăn do vậy không đủ bù đắp chi phí quản lý, lãi vay, khó thu hồi công nợ…

Video: Cựu Chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh viết đơn xin tự thú

Trong quý I/2020, doanh thu thuần của PVX giảm 57% về 265 tỷ; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là -28,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 23,3 tỷ đồng.

Trong văn bản giải trình PVX cho biết đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, khôi phục và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2020 PVX đặt mục tiêu đạt 1.700 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, cố gắng giảm lỗ tối đa.

Liên quan tới PVC, hẳn nhiều người vẫn nhớ, ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 51/C46 (P12) khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ Luật Hình sự xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và các đơn vị thành viên.

Theo đó, trong ngày 15 và 16/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng ra quyết định khởi tố 5 bị can gồm: Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị; Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty PVC và ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với 05 cá nhân.

Việc khởi tố vụ án nêu trên liên quan đến những thua lỗ của Tổng công ty PVC giai đoạn năm 2011 – 2013, thời kỳ ông Trịnh Xuân Thanh giữ chức Chủ tịch HĐQT PVC.

Bắt đầu từ năm 2011, một số công ty thành viên của PVC báo cáo bị lỗ. Đến hết năm 2012, tổng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Công ty mẹ PVC là 3.370,6 tỷ đồng tại 41 công ty. Trong 15 công ty con, có tới 10 công ty báo lỗ, chỉ có 5 công ty kinh doanh có lợi nhuận; 4/8 công ty liên doanh, liên kết bị lỗ lớn...

Tính đến hết tháng 6/2013, tình hình sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của PVC cực kỳ khó khăn. Tổng doanh thu của riêng công ty mẹ chỉ vỏn vẹn hơn 510 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế tính đến thời điểm 31/6/2013 lên tới hơn 4.212 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế hợp nhất của toàn công ty lên tới 3.274 tỷ đồng.

Tại công ty mẹ, lỗ do hoạt động tài chính lên tới hơn 1.766 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng hơn 882 tỷ đồng. Tổng số nợ phải trả của PVC tại thời điểm này lên tới hơn 8.992 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả ngân hàng lên tới 1.504 tỷ đồng.

Chỉ trong hai năm 2012 và 2013, hàng chục công ty con, công ty liên kết của PVC báo cáo lỗ lớn và chỉ trong khoảng 2 năm, PVC đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 3.200 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của tổng công ty từ 4.000 tỷ giảm xuống còn hơn 134,7 tỷ đồng.

Tình trạng thua lỗ nghiêm trọng đến mức lãnh đạo mới của PVC phải cầu cứu PVN với khẳng định nếu không có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ tập đoàn, tổng công ty sẽ không có khả năng hoạt động liên tục, dẫn đến nguy cơ phá sản cao.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc có quá nhiều tiền, quá nhiều dự án và sau đó lãnh đạo PVC bắt đầu rót vốn vào các công ty tài chính và dồn quá nhiều tiền vào lĩnh vực bất động sản khiến tổng công ty này sau đó phải trả giá khi thị trường bất động sản thoái trào với nhiều dự án đình trệ.

Đến hết năm 2017, doanh thu  hợp nhất PVC đạt 3.899 tỷ đồng, giảm 58% so với năm 2016. Riêng công ty mẹ doanh thu đạt 2.226,3 tỷ đồng, bằng 31% so với năm trước đó.

Việc doanh thu giảm mạnh dẫn đến lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 416,3 tỷ đồng trong năm. Riêng công ty mẹ lỗ 366 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 31/12/2017, lỗ luỹ kế hợp nhất của tổng công ty lên đến 3.378 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của công ty mẹ PVC tại thời điểm cuối năm 2017 là 824 tỷ đồng, giảm 30% so với năm 2016. Nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 886,5 tỷ đồng và các vấn đề khác khiến kiểm toán lưu ý sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của tổng công ty trong năm 2018.

Từ đó đến nay, dù đã có nhiều biện pháp để cải thiện tình hình nhưng có vẻ như kết quả kinh doanh của PVC vẫn không mấy khả quan. Quãng thời gian sắp tới chắc chắn cũng sẽ thử thách khả năng chèo lái của lãnh đạo doanh nghiệp này.

Minh Lan