Đời sống

Con đang không ổn bố mẹ ạ

Mỗi đứa trẻ đều có những bất ổn riêng. Đặc biệt là trong quá trình trưởng thành nhiều đau đớn của chúng.

Giá như đứa trẻ có thể nói ra điều đó với cha mẹ của chúng. Một đứa trẻ nói ra được điều đó, nó là một đứa trẻ can đảm. Và quan trọng hơn, cha mẹ chúng cũng là những người làm cha, làm mẹ đáng học hỏi.

Chỉ tiếc rằng, nhiều đứa trẻ không nói ra được. Là bởi cha mẹ chúng chưa bao giờ cho chúng được nói ra. Bằng việc thường xuyên quát mắng chúng: Trẻ con thì biết cái gì? Bằng việc quy kết chúng, phán xét chúng, mắng mỏ chúng, phủ nhận hoặc tảng lờ chúng. Từ rất lâu trước đó. Khiến chúng nghĩ: Nói ra với cha mẹ cũng chẳng có nghĩa gì, đằng nào cha mẹ cũng có nghe đâu.

Nhiều đứa trẻ chọn cách im lặng, giữ những vấn đề bất ổn trong lòng. Bọn con trai thì sợ nói ra bố sẽ mắng: Đàn ông con trai gì mà yếu đuối, mới một tí đã kêu ca than thở. Bọn con gái thì sợ mẹ chúng phát điên lên, làm ầm ĩ khắp nơi khiến chúng càng thêm xấu hổ. Phản ứng của cha mẹ vô cùng quan trọng trong quyết định có mở lòng với bố mẹ hay không. Đừng nói là “Cha mẹ sẵn sàng lắng nghe con, hãy tâm sự với cha mẹ” khi bạn chưa tạo ra cho con mình một sự tin cậy, khi mà lắng nghe vẫn còn phán xét, định giá, đánh giá.

Con đang không ổn bố mẹ ạ! Một đứa trẻ có thể không ổn vì những điều gì? Nếu như người lớn của chúng ta không ổn, chúng ta có thể đi uống rượu, có thể lôi vài ba đứa bạn ra trút bỏ vào chúng, có thể đi mua sắm tẹt ga, có thể có nhiều kỹ năng để giải quyết sự bất ổn đó. Bọn trẻ con thì không! Chúng chẳng thể đi uống rượu, tất nhiên. Tâm sự với bạn bè okie đấy, nhưng bạn bè cũng như chúng, có khi lại cho chúng những lời khuyên chết người không chừng. Chúng lao vào game thì cha mẹ sẽ mắng mỏ chúng. Chúng không biết cách xả bớt những bất ổn trong lòng vì chúng thiếu kỹ năng, không có nhiều lựa chọn.

Ảnh minh họa

Một đứa trẻ có thể không ổn vì điểm số học tập. Chúng đã rất nỗ lực nhưng thầy cô vẫn chấm điểm chúng thấp. Đương nhiên, điểm số là theo thang điểm rồi. Trong thang điểm định sẵn, thường là không có điểm số cho nỗ lực. Kết quả học tập của chúng không có phần điểm cố gắng, những cố gắng của chúng không được ghi nhận. Từ điểm số kém, áp lực từ thầy cô cũng không kém phần đáng sợ khi điểm số của chúng là thước đo đánh giá năng lực dạy học của các thầy cô. Nên trong lớp có học sinh kém, thầy cô sẽ chịu trách nhiệm. Điểm số của chúng cũng liên quan đến cha mẹ. Cho ăn học như thế mà điểm cứ lẹt đẹt vậy sao? Chúng đang học cho ai? Cho thầy cô hay cho bố mẹ? Cho tương lai của chúng? Học hành thế này thì sau này chỉ đi làm lao công thôi con ạ. Rồi sức ép từ bạn bè chúng: Mày là đứa học dốt, tao không chơi cùng. Bao nhiêu cha mẹ chỉ hân hoan khi con chơi với toàn bạn học giỏi?

Lũ trẻ còn cảm thấy bất ổn với những bất công của thầy cô. Đừng tưởng việc cô giáo quan tâm đến bạn này mà tảng lờ mình là chuyện bình thường. Cùng làm bài giống nhau nhưng đứa kia điểm cao hơn mình cũng là vấn đề bất ổn mà lũ trẻ đối diện. Rồi chưa kể đôi khi thầy cô buông lời tổn thương chúng, cha mẹ vô tình trút bực dọc vào chúng, bạn bè so sánh chúng với nhau… Rồi chưa kể những giá trị ảo như quần áo đồ hiệu, đứa nọ có bố chiều chuộng trong khi bố mình chỉ quát nạt mình. Những giá trị ảo được tạo ra bởi những trào lưu xã hội.

Cứ thử hỏi 1 đứa trẻ xem, chúng tủi thân về cả những thứ vô cùng ngớ ngẩn với người lớn, như đứa bạn lớp 9 đã có xe máy đi học, mình vẫn đi xe đạp. Cái A bạn con được mua đĩa xịn BTS trong khi con thì bị bố mẹ mắng nghe nhạc BTS làm gì, lo học đi…. Với người lớn, chúng ta qua rồi cái thời hơn nhau số like, hơn nhau ở tấm chồng, hơn nhau ở con cái học giỏi hơn. Nhưng lũ trẻ thì vẫn vậy, hơn nhau ở việc có bao nhiêu bạn quan tâm đến mình, hơn nhau ở có bố mẹ quan tâm hơn bố mẹ lũ bạn, hơn nhau ở có bố mẹ giàu hơn….

Mỗi đứa trẻ đều có những bất ổn riêng. Đặc biệt là trong quá trình trưởng thành nhiều đau đớn của chúng. Những đau đớn sinh ra bởi sự so sánh và chính từ quá trình hình thành bản thể riêng của chúng. Mà chúng ta vẫn nói, tuổi mới lớn bắt đầu xây dựng cái TÔI cá nhân. Chúng muốn được ghi nhận. Chúng muốn được coi là người lớn, trưởng thành. Chúng cũng sợ bị đánh giá là trẻ trâu, là ý thức như ruồi. Thật không khác cuộc thoát kén của loài sâu bướm. Nhưng cha mẹ liệu có để tâm? Hay cha mẹ đều nghĩ ăn nhiều vào tất sẽ lớn.

Làm sao để con có thể nói với cha mẹ: “Con đang thấy con không ổn cha mẹ ơi”? Tôi nghĩ đó chính là phần thưởng cho sự đồng hành và dạy dỗ của bạn với con mình. Như tôi vẫn nói với ông Bách con tôi: Bố thấy bố hạnh phúc và thành công hơn ông nội con. Vì lớp 7 bố đã thôi café hay nói chuyện với ông nội. Nhưng con đã lớp 10 và vẫn đang ngồi đây, café cùng bố. Là vậy, thành công lớn nhất mà cha mẹ có được vốn không phải kết quả học tập của con (nếu nó được đổi lại bằng rất nhiều quát mắng, ép buộc), không phải nó đạt thành tựu gì to lớn. Mà đôi khi chỉ là một câu chúng nói với ta: Con thấy mình không ổn bố ạ! Phải rồi, con thấy không ổn ở đâu? Bố nghe đây! Giá như chúng nói với ta như vậy….

Nhà văn Hoàng Anh Tú