Góc nhìn luật gia

Con bị cô giáo đánh, phụ huynh có quyền đòi bồi thường 100 triệu đồng hay không?

Trước sự việc học sinh bị cô giáo mầm non đánh bầm tím, trầy xước, luật sư cho biết phụ huynh có quyền yêu cầu đòi bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Mới đây, theo bản tường trình ngày 24/1/2019 của bà Đinh Thị Anh Đào - Hiệu trưởng trường mầm non Tây Thạnh 2 - gửi các cơ quan chức năng đã thừa nhận những vết bầm, trầy xước trên hông và tay cháu bé Đ.N.X.P. (học sinh lớp mầm 1) là do cô Vân - một trong hai giáo viên của lớp mầm 1 trường mầm non Tây Thạnh 2 đã thừa nhận có đánh bé P. Sau sự việc một ngày, cô Vân đã nộp đơn xin nghỉ việc.

Vết trầy xước trên người cháu P.

Phụ huynh của cháu bé là ông Đinh Đức Dũng cùng vợ đã vô cùng bức xúc về việc này, đồng thời đề nghị nhà trường phải liên lạc và mời cô Vân đến để gặp mặt, nói chuyện. Cũng theo bản tường trình trên thì nhà trường liên lạc không được, cử người đến nhà trọ của cô giáo thì được biết cô đã về quê ở Quảng Ngãi.

Ban đầu, ông Dũng yêu cầu nhà trường phải gửi lại chi phí thăm khám cho bé P. là 900.000 đồng. Còn về phần cô Vân sẽ phải nộp phạt 10.000.000 đồng, trong thời hạn 20 ngày, nếu cô Vân không nộp phạt thì phụ huynh sẽ khởi kiện.        

Tuy nhiên, sau nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với phía nhà trường, đến nay ông Dũng đã yêu cầu nhà trường phải bồi thường số tiền lên tới 100 triệu đồng. Lý do ông Dũng đòi bồi thường tổn thất tinh thần 100 triệu đồng là vì… tức quá.

Liên quan đến việc phụ huynh của cháu P. đòi bồi thường số tiền lên tới 100 triệu đồng có căn cứ hay không, trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin về vấn đề này, chuyên gia pháp lý Diệp Năng Bình (đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho biết:

Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh).

Nguyên tắc đầu tiên cần phải khẳng định là người nào gây thiệt hại, người đó phải bồi thường. Trong trường hợp tỷ lệ tổn hại sức khỏe chưa đến mức xử lý hình sự thì người vi phạm sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Bộ luật dân sự (BLDS).

Tại khoản 1 Điều 584, BLDS năm 2015 quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.  

Luật sư Bình nói thêm, người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác phải chịu trách nhiệm cả vật chất lẫn tinh thần, cả thiệt hại trực tiếp lẫn gián tiếp.

Điều 590, BLDS năm 2015 xác định thiệt hại do sức khỏe bị đe dọa bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại. Thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Luật sư Bình cho biêt, bồi thường tổn thất về tinh thần là dạng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong mọi trường hợp, khi tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì người bị thiệt hại đều được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. BLDS năm 2015 quy định tăng mức trần bồi thường tổn thất về tinh thần khi người có tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm.

Về nguyên tắc, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu các bên không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

“Chiếu theo quy định nêu trên, hiện mức lương cơ sở là 1,39 triệu đồng x 50 lần = 69,5 triệu đồng. Như vậy, trong trường hợp phụ huynh cháu P. đòi bồi thường tổn thất tinh thần lên tới 100 triệu đồng là cao hơn quy định của pháp luật”, luật sư Bình nói.