Hồ sơ

Cơn ác mộng 26 năm ở Tennessee: “Mẹ mìn” cầm đầu đường dây bắt cóc hàng ngàn trẻ em và lý do công lý không được thực thi

Gục ngã trước cám dỗ của đồng tiền, người phụ nữ giàu lòng nhân ái bỗng một ngày hóa thành “mẹ mìn”, dùng mọi thủ đoạn để bắt cóc, chiếm đoạt con thơ của các gia đình nghèo. Người đàn bà này “phù phép”, biến chúng thành những đứa trẻ mồ côi rồi “bán lại” cho các cặp đôi giàu.

Chân dung mẹ mìn "ác quỷ" Georgia Tann.

Ác quỷ trong vỏ bọc từ tâm

Quá khứ của Georgia Tann gắn liền với những đứa trẻ không cha thiếu mẹ. Anh trai của cô là con nuôi, bố của cô là một thẩm phán quận, người chuyên phụ trách các vụ án liên quan đến trẻ cơ nhỡ lang thang trên phố.

Bị bố ngăn cản theo ngành Luật, Georgia bén duyên với âm nhạc rồi trở thành người gõ đầu trẻ, ngày qua ngày mang lời ca tiếng hát dạy cho các em thơ. Vào năm 1916, cô gái trẻ bỗng hứng thú với các hoạt động xã hội và nhanh chóng trở thành một nhân viên của hiệp hội Tìm tổ ấm cho trẻ em Mississippi.

Tại đây, Georgia làm việc không ngừng nghỉ và trở thành một trong những nhân viên xuất sắc nhất ở Mississippi. Động lực làm việc mỗi ngày của cô chính là ánh mắt hạnh phúc của các em nhỏ cơ nhỡ khi được các gia đình khá giả nhận nuôi. Ngược lại, những cặp phụ huynh mới cũng gửi tới nữ nhân viên những “món quà nho nhỏ” để thể hiện sự cảm kích.

Những “món quà” này khiến Georgia cảm thấy một sự thôi thúc kỳ lạ. Cô bắt đầu tìm đến những em nhỏ trong các gia đình khó khăn, tìm cách “cứu” các em ra khỏi cuộc sống bần hàn để đến với một tổ ấm mới no đủ hơn. Các phương pháp của Georgia ngày càng cực đoan hơn, cô thậm chí sắp xếp gia đình mới cho các em nhỏ bất chấp sự phản đối của bố mẹ đẻ. Hành vi của Georgia chỉ chấm dứt khi bị một cặp phụ huynh đâm đơn kiện lên tòa án bang.

Cảm thấy Mississippi không phải là địa bàn lý tưởng để buôn bán trẻ em, Georgia tìm đường đến Memphis và thành lập hiệp hội Mái ấm trẻ thơ Tennessee vào năm 1924.

Tự xưng là sứ giả tình thương, Georgia giới thiệu một hướng đi mới đối với công tác xã hội cho trẻ em ở Tennessee nhưng thực chất lại là âm mưu kiếm tiền phi pháp bằng cách phá hoại hàng ngàn gia đình nghèo khổ.

Những thủ đoạn tàn độc

“Mẹ mìn” đất Mỹ có rất nhiều cách khác nhau để bắt cóc trẻ em. Tổ chức của Georgia cài cắm người tại các nhà tù và các bệnh viện tâm thần, các em bé sinh ra tại đây sẽ bị chiếm đoạt và bị che giấu vô cùng tinh vi. Khi nguồn hàng không đủ cung cấp, Georgia hối lộ y tá và bác sĩ tại những bệnh viện nhỏ, tước đoạt các trẻ sơ sinh khi vừa lọt lòng rồi thông báo với các cặp phụ huỵnh tội nghiệp rằng con của họ đã qua đời.

Đối với các em lớn hơn Georgia cho người gây sức ép, đe dọa các gia đình nghèo khó, bắt họ phải giao nộp con; hoặc nhẫn tâm hơn là bắt cóc các em nhỏ trên đường phố, tại trường học thậm chí trong nhà thờ và các trung tâm chăm sóc trẻ,... Để xóa dấu vết, tổ chức tiêu hủy mọi giấy tờ liên quan đến nguồn gốc của các em nhỏ và làm giả tài liệu, hồ sơ nhận nuôi.

Từ năm 1924 đến 1950 ước tính khoảng 5.000 trẻ em bị bắt cóc và chiếm đoạt bởi tổ chức của Georgia. Các em nhỏ khi được đưa vào cho hiệp hội Mái ấm trẻ thơ Tennessee sẻ trở thành những trẻ mồ côi tội nghiệp, chờ đợi một gia đình giàu có đến nhận nuôi. Đa số các em đều được “tuyển chọn kỹ lưỡng” về ngoại hình (ưu tiên da trắng, tóc vàng, mắt xanh)... nên chiếm được rất nhiều thiện cảm của “khách hàng”.

“Tiếng lành đồn xa” các nhà hảo tâm từ khắp nơi trên đất nước tìm đến trung tâm của Georgie để nhận nuôi những đứa trẻ xinh xắn nhưng bất hạnh. Khách hàng của Georgia không chỉ các đại gia khu vực mà còn là các minh tinh màn ảnh và các ngôi sao nổi tiếng thời bấy giờ, như: Joan Crawford, Lana Turner và cả chính trị gia New York Herbert Lehman,...

Với mỗi phi vụ thành công, nhân viên trung tâm sẽ mang về khoảng 5.000USD và phần lớn trong số đó sẽ rơi vào túi Georgia.

Thao túng chính quyền

Sở dĩ đường dây của Georgia lộng hành hơn 2 thập kỷ là do sự bảo hộ của bộ máy chính quyền thành phố Memphis với người đứng đầu là Thị trưởng E.H. Crump.

Georgia bỏ ra rất nhiều tiền để hối lộ Crump, đổi lại những cuộc điều tra liên quan đến Georgia và Hiệp hội sẽ được giập tắt ngay khi vừa nhen nhóm. Cảnh sát địa phương không chỉ ngó lơ phản ánh của người dân về những vụ bắt cóc bí ẩn, có những lúc còn giúp đỡ quân của Georgia chiếm đoạt các em nhỏ.

Bên cạnh đó, Georgia còn kết thân với Chánh án Camille Kelley, người phụ trách các vụ án liên quan đến trẻ em và thanh thiếu niên của bang. Trên phiên tòa, Kelley “trưng diện” một bộ mặt đầy thương cảm đối với hoàn cảnh éo le của các em nhỏ nhưng đằng sau lưng, bà ta thẳng tay ký giấy tước quyền giám hộ của các cặp đôi nghèo và chuyển giao cho hiệp hội của Georgia, dọn đường cho quá trình nhận nuôi thêm phần trơn tru.

Công lý chưa bao giờ được thực thi

Tưởng chửng thế lực của Georgia sẽ không ngừng lớn mạnh thì tin dữ đã đến với tổ chức buôn trẻ em những năm cuối của thập niên 1940. Georgia Tann được chẩn đoán mắc phải ung thư tử cung giai đoạn cuối. Tình hình hoạt động của hiệp hội ngày càng rối rắm cùng với sự suy yếu của chính quyền Crump.

Năm 1948, những tin đồn về đường dây buôn trẻ em của Georgia đã lọt đến tai đối thủ của Crump, chính trị gia Gordon Browning. Nhận thấy đây là cơ hội để tấn công đối thủ, Gordon đã thành lập một đội điều tra đặc biệt đào bới những sai phạm của Georgia cùng mối quan hệ với Crump.

Tuy nhiên, trước khi vụ việc được đưa ra ánh sáng thì Georgia đã qua đời vì ung thư. Và, những cáo buộc liên quan đến Georgia chỉ là biển thủ tài sản công thay vì tội bắt cóc.

Bà ta trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 59 tại dinh tự xa hoa mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì vì tội ác mình gây ra. Goergia chết mang theo toàn bộ số tiền của tổ chức. Hai tháng sau hiệp hội Mái ấm trẻ thơ Tennessee chính thức đóng cửa.

Tội ác kéo dài 25 năm của Georgia cuối cùng cũng đi đến hồi kết. Tuy nhiên, những nỗi đau mà “trại mồ côi” ở Memphis gây ra vẫn còn dai dẳng, hàng ngàn gia đình bị chia cắt, bố mẹ mất con, những đứa trẻ lớn lên không hề hay biết về người đã sinh thành.

Tội ác của Georgia Tann gây chấn động giới truyền thông thời bấy giờ. Hàng chục chương trình và bản tin đăng tải về đường dây buôn bán trẻ em của nữ chủ trung tâm tình thương. Vụ án trở thành cảm hứng cho cuốn sách The Baby Thief (Những đứa trẻ bị đánh cắp) của nhà báo Barbara Bisantz Raymond.

Động buôn bán trẻ em nấp bóng Trại trẻ tình thương Tenessee.