Tiêu điểm

Còn 2 bộ, ngành, 15 tỉnh thành chậm báo cáo kết quả

Đoàn giám sát đã yêu cầu 11 bộ, ngành báo cáo kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, đến ngày 7/3 mới có 9 bộ, ngành gửi báo cáo.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Ngày 9/3, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức Phiên họp thứ Hai, cho ý kiến về kết quả thực hiện Đoàn giám sát trong thời gian qua; triển khai hoạt động theo Kế hoạch giám sát chi tiết trong thời gian tới.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, Tổ trưởng Tổ giúp việc, thành viên Đoàn giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” (gọi tắt là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia) đã báo cáo kết quả thực hiện của đoàn giám sát trong thời gian qua; triển khai hoạt động theo Kế hoạch giám sát chi tiết trong thời gian tới; đề xuất, xin ý kiến để thống nhất một số nội dung trọng tâm.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành báo cáo kết quả thực hiện của đoàn giám sát trong thời gian qua.

Về công tác tổng hợp đối tượng chịu sự giám sát gửi báo cáo, theo yêu cầu của Đoàn giám sát, Chính phủ gửi báo cáo kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đến Đoàn giám sát trước ngày 28/2/2023, nhưng đến ngày 7/3/2023 vẫn chưa có báo cáo gửi đến Đoàn giám sát.

Đoàn giám sát cũng gửi văn bản yêu cầu 11 bộ, ngành báo cáo kết quả thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia theo chức năng, nhiệm vụ được giao, gửi báo cáo về Đoàn giám sát trước ngày 15/2/2023, nhưng đến ngày 7/3 mới có 9 bộ, ngành gửi báo cáo.

Nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng chậm gửi báo cáo đến Đoàn giám sát theo thời gian đã nêu trong Kế hoạch giám sát chi tiết. Tính đến ngày 7/3 mới có 48/63 tỉnh gửi báo cáo chung 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; 32/51 tỉnh báo cáo về Chương trình Dân tộc thiểu số và Miền núi; 38/63 tỉnh báo cáo về Chương trình nông thôn mới; 38 tỉnh báo cáo về Chương trình giảm nghèo bền vững.

Tổ giúp việc kiến nghị đoàn giám sát có văn bản gửi các Tổ trưởng Tổ công tác tại bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu nhanh các báo cáo, tóm tắt những phát hiện chính gửi Tổ giúp việc trước ngày 20/3 để tổng hợp, báo cáo đoàn giám sát.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát đánh giá cao Tổ giúp việc chuẩn bị tốt các công việc cụ thể của Đoàn giám sát.

Đây lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát giữa kỳ đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện của cả 3 Chương trình.

Qua ý kiến tại phiên họp cho thấy, kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo cam kết của Chính phủ trước Quốc hội còn nhiều hạn chế và vướng mắc. Các ý kiến sau phiên họp cũng giúp cho các Tổ công tác tập trung vào trọng tâm giám sát trong quá trình làm việc với bộ, ngành, địa phương.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, mặc dù trong quá trình giám sát đã tiến hành đôn đốc nhưng vẫn còn tình trạng chậm gửi báo cáo; đề nghị lãnh đạo Đoàn giám sát có hình thức nhắc nhở, phê bình đảm bảo kỷ cương trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Xây dựng báo cáo bước đầu trình UBTVQH

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Tổ giúp việc tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trọng tâm hoạt động giám sát là thể chế chính sách và chỉ đạo điều hành của từng chương trình và việc lồng ghép 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; khảo sát và đánh giá kết quả bước đầu để minh họa cho việc ban hành chính sách đã phù hợp hay chưa; đề xuất sửa đổi thể thế chính sách thuộc thẩm quyền của từng cơ quan (Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, UBND tỉnh).

Trọng tâm giám sát được xác định rõ ràng, đúng hướng nên bước đầu có tác động đến đối tượng chịu sự giám sát kể cả Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Mặc dù đây là chuyên đề giám sát rộng, liên quan đến nhiều đối tượng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở cả 3 miền, Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng nếu triển khai đúng Nghị quyết, kế hoạch đề ra sẽ mang lại kết quả tích cực.

Nhấn mạnh tinh thần của hoạt động giám sát là đồng hành cùng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ quá trình giám sát cần sử dụng tổng hợp kết quả báo cáo giám sát của nhiều cơ quan ban ngành; giám sát với tinh thần minh bạch, công khai, tiếp thu ý kiến phản hồi của địa phương, doanh nghiệp, người dân, chuyên gia để hoàn thiện báo cáo giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị thành viên Đoàn giám sát, Tổ giúp việc kịp thời báo cáo với lãnh đạo đoàn giám sát những vấn đề có liên quan để trao đổi, thống nhất; giao Tổ giúp việc tham mưu xây dựng dự thảo kết luận phiên họp, trong đó biểu dương cơ quan đơn vị thực hiện đúng tiến độ và phê bình, nhắc nhở đôn đốc các bộ, ngành, địa phương chậm gửi báo cáo; xây dựng báo cáo bước đầu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 4 tới.

Đối với kế hoạch làm việc với 11 bộ ngành và 15 địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý chuẩn bị kỹ, chọn lọc vấn đề nghiên cứu, kiểm chứng, đánh giá vướng mắc về thể chế chính sách, về công tác chỉ đạo điều hành; Rà soát 71 văn bản Chính phủ đã ban hành và 2 văn bản chưa ban hành theo quy định tại Nghị quyết Quốc hội; Đồng thời làm rõ bất cập, đề xuất giải quyết các vướng mắc, tồn tại.