Bất động sản

Cơ quan chức năng chỉ ra nhiều sai phạm của DRH Holdings - chủ đầu tư dự án Lạc Việt

Mặc dù không được phép tập kết sà lan, thuyền, để vận chuyển cát san lấp, chưa có bến thuỷ nội địa, nhưng chủ đầu tư đã tiến hành san lấp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này lúc thì khẳng định mua cát ở Lagi nhưng khai sai số lượng, lúc thì lại nói mua cát ở Bà Rịa - Vũng Tàu, khiến dư luận hoài nghi.

Cố tình vi phạm

Sau nhiều bài phản ánh của báo điện tử Người Đưa Tin về việc chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt (dự án Lạc Việt - PV) xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân do công ty CP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt (gọi tắt là công ty Danh Việt) dùng cát mặn lấp mặt bằng, dư luận hoài nghi về việc công ty này hút cát tại chỗ san lấp.

Mới đây, sở Tài nguyên và Môi trường (sở TN&MT) tỉnh Bình Thuận đã phản hồi về những thông tin mà báo chí phản ánh. Cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều sai phạm của chủ đầu tư dự án Lạc Việt.

Cụ thể, trong Văn bản số 1762/STMNT-TNKS, kết quả giám sát của các cơ quan chức năng cho thấy, dự án đã triển khai khởi công san lấp mặt bằng từ ngày 11/6/2018, đến nay khối lượng san lấp được khoảng 88.354 m3 đất, cát; đã và đang làm một số tuyến đường nội bộ, xây một số công trình.

Trước đó, ngày 25/10/2018, sở TN&MT tỉnh Bình Thuận phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra tại khu vực dự án, ghi nhận dự án đã triển khai việc san lấp. Tại vùng biển tiếp giáp với dự án có 2 sà lan, 2 boong tàu đang neo đậu, có một số công nhân đang lắp đặt các đường ống và các máy bơm nối từ các sà lan vào khu vực dự án.

Không được cấp phép bến thuỷ nội địa, nhưng chủ đầu tư dự án Lạc Việt đã cố tình vi phạm cho sà lan neo đập để hút cát lấp mặt bằng dự án.

Do đó, sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản chỉ đạo chủ đầu tư Dự án Lạc Việt không được sử dụng nguồn cát do các doanh nghiệp khác cung cấp chuyển tải theo đường biển để san lấp mặt bằng dự án, vì chưa có giấy phép và hồ sơ môi trường cho phép hoạt động Bến nội địa tạm thời do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Đồng thời, việc sử dụng nguồn cát này chỉ được thực hiện khi chủ đầu tư đã có giấy phép và hồ sơ môi trường và nguồn gốc cát để san lấp mặt bằng dự án phải hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Vào ngày 21/12/2018, UBND tỉnh Bình Thuận có Công văn số 4529/UBND-KGVXNV, yêu cầu chủ đầu tư dự án Lạc Việt dừng ngay việc chuyển tải cát theo đường biển để san lấp mặt bằng dự án; khẩn trương tháo dỡ toàn bộ thiết bị máy bơm, ống bơm và các thiết bị khác có liên quan phục vụ cho việc bơm hút cát từ các phương tiện neo đậu ngoài biển vào khu vực dự án trước ngày 21/12/2018; chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong hoạt động mua bán cát san lấp mặt bằng…

Cũng theo thông tin từ bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, đơn vị đã tổ chức 2 đợt kiểm tra và đình chỉ hoạt động bơm hút cát từ sà lan lên dự án đối với các chủ phương tiện, do chưa có giấy phép thiết lập Bến thủy nội địa của cơ quan có thẩm quyền.

Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ

Cũng tại báo cáo này, sở TN&MT cho biết, theo kết quả kiểm tra của Sở này và các cơ quan chức năng, cuối năm 2018 tại khu vực vùng biển tiếp giáp với dự án có 2 sà lan, 2 boong tàu, 3 tàu trung chuyển cát, 5 đường ống có kích thước cỡ lớn và các máy bơm nối từ các sà lan vào khu vực dự án để chuyển tải cát san lấp mặt bằng dự án.

Kiểm tra hiện nay các thiết bị, phương tiện này đã được tháo dỡ, di dời không còn thấy tại hiện trường. Tại thời điểm kiểm tra, công ty này đang tiếp tục thực hiện san lấp mặt bằng và vận chuyển bằng xe ben theo tuyến đường Quốc lộ 55 về dự án.

Về nguồn cát để san lấp dự án, qua kiểm tra các giấy tờ và làm việc với các bên có liên quan cho thấy, cát được mua từ công ty TNHH Thương mại Tuấn Tâm và công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Đồng Tháp (được UBND tỉnh Đồng Tháp cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 200/GP-UBND ngày 12/3/2018). Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn cho biết cát được vận chuyển từ khu vực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nguồn gốc cát mà doanh nghiệp dùng để san lấp mặt bằng vẫn bị hoài nghi.

Tuy nhiên, trước đó sau khi hàng loạt các tờ báo phản ánh về việc chủ đầu tư dự án Lạc Việt san lấp mặt bằng cát mặn. Phía chủ đầu tư đã trưng ra bằng chứng mua lại cát từ việc nạo vét và tận dụng cát nhiễm mặn tại cửa biển La Gi của công ty Tuấn Tâm với 10.000m3.

Thế nhưng, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận thông tin rằng, công ty Tuấn Tâm được cấp phép nạo vét và tận dụng cát nhiễm mặn, nhưng khối lượng cát nạo vét là khoảng 6.500m3 và đã bán cho một doanh nghiệp khác hết 3.000m3. Vậy, tại sao chủ đầu tư lại đưa ra con số 10.000m3 vẫn là câu hỏi chưa giải đáp?

Trong khi đó, thời điểm đầu tiên phản hồi thông tin cho báo chí, doanh nghiệp này không hề nhắc đến chuyện mình đang mua cát ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để san lấp, mà chỉ cung cấp về việc mua cát ở Bình Thuận. Chỉ đến khi cơ quan chức năng kiểm tra, mới ghi nhận tình trạng xe ben vận chuyển cát rầm rộ bằng đường bộ đến dự án và nói chở cát từ Vũng Tầu về san lấp.

Vậy đâu mới là nơi chủ đầu tư mua cát thực sự, khi ngay từ đầu doanh nghiệp này đã sai về con số thông báo nguồn gốc mua cát? Ngoài ra, nhiều người cũng tỏ ra lo ngại khi dùng cát biển san lấp một dự án sinh thái, liệu môi trường sống có thay đổi, chất lượng công trình trên chính nền cát mặt có đảm bảo chất lượng, an toàn và bền lâu?