Tài chính - Ngân hàng

Cổ phiếu Vinhomes bứt phá, chứng khoán tăng 12 điểm

Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm ngân hàng, dầu khí, bán lẻ... tăng giá góp phần kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu.

Thị trường sau phiên bán tháo hôm qua đã ổn định trở lại. Các chỉ số mở cửa phiên giao dịch ngày 5/5 trong sắc xanh trước sự nâng đỡ của hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn. 

Tuy nhiên, đà tăng của các chỉ số không được nới rộng mà thu hẹp lại khi áp lực bán dâng cao. Chỉ số bắt đầu suy giảm đà tăng và thậm chí đảo chiều giảm nhẹ lúc kết phiên sáng.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn tăng mạnh suốt cả phiên giao dịch. Trong đó, mã GAS tăng 1,3%, OIL tăng 2,7%, PVC tăng 0,4%, PVS tăng 1,17%...

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 12 điểm, tương ứng 0,89% lên 1.360,68 điểm. Toàn sàn có 160 mã tăng, 272 mã giảm và 48 mã đứng giá. HNX-Index giảm 2,22 điểm, tương ứng 0,62% xuống 358,75 điểm. Toàn sàn có 82 mã tăng, 129 mã giảm và 47 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,2 điểm, tương ứng 0,19% xuống 103,82 điểm.

Nhóm cổ phiếu trụ VN30 tăng tới 15 điểm. Nhóm này có tới 22 mã tăng giá, một mã đứng giá và 7 mã giảm giá. Trong đó, VHM của Vinhomes là mã tác động tích cực nhất đến thị trường hôm nay khi tăng tới 6,67% và có thời điểm được khớp với giá trần. Cổ phiếu này đã giảm mạnh từ mức 76.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 4 theo đà giảm chung của thị trường. Đây là phiên bứt phá mạnh nhất của Vinhomes từ đầu năm tới nay. 

Cặp đôi VIC và VRE cùng họ Vingroup với VHM cũng tăng tích cực. Trong đó, VRE tăng 1,17% lên mức 30.300 đồng/cổ phiếu với 2,5 triệu cổ phiếu sang tay còn VIC tăng 0,38% lên 80.000 đồng/cổ phiếu với 1,8 triệu cổ phiếu sang tay. 

Những mã tác động mạnh nhất tới thị trường phiên ngày 5/5. (Ảnh: FireAnt)

Tác động tích cực đến thị trường có thể kể đến nhóm cổ phiếu ngân hàng với BID, CTG, VCB, TPB là các mã tác động tích cực nhất tới thị trường. TPB thậm chí tím trần. Nhiều mã khác thuộc nhóm này tuy không nằm trong nhóm tác động tích cực nhất song cũng tăng giá với biên độ từ 1-3% như EIB, HDB, KLB, MBB, STB, VIB… Ngược lại, một số khác thuộc nhóm này vẫn giảm điểm như LPB, SHB, NAB, ACB…

Mã MSN của Masan hôm nay cũng tăng tới 5,2% lên mức 119.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mã tác động tích cực thứ 2 trên thị trường, chỉ sau VHM. 

Nhóm cổ phiếu bảo hiểm hôm nay (5/5) cũng có giao dịch khá tốt với kỳ vọng lãi suất tăng, nhiều cổ phiếu như BLI tăng tốc 5,4% lên 19.500 đồng/cổ phiếu, ABI có thêm 1,81% hay BVH cũng giữ được sắc xanh.

Nhóm cổ phiếu đầu cơ sau phiên xả mạnh hôm qua đã hồi phục nhẹ nhưng vẫn còn bị bán mạnh. Họ cổ phiếu FLC đã thoát giá sàn nhưng vẫn còn giảm sâu. FLC giảm 4,75% xuống 7.820 đồng/cổ phiếu. AMD giảm 4,3%, ART, KLF có thời điểm giảm mạnh song kết phiên quay về tham chiếu.

DIG là mã tác động tiêu cực nhất tới thị trường khi giảm tới 4,7% xuống 58.100 đồng/cổ phiếu. Mã này từng đạt 125.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm song hiện đã mất hơn một nửa thị giá. 

DIG từng "tạo sóng" năm 2021 song từ đầu năm 2022, cổ phiếu này giảm mạnh, hiện đã mất hơn nửa thị giá. (Ảnh: FireAnt)

HSG của Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục giao dịch tiêu cực. HSG ngày 5/5 tiếp tục giảm 6,4% xuống 24.600 đồng/cổ phiếu. Nhiều thời điểm mã này bị bán với giá sàn. POM cũng bị bán mạnh và giảm 4,09%, NKG của Thép Nam Kim cũng giảm 1,97%. Ngược lại,  HPG hôm nay lại tăng nhẹ 0,12%. Ngày 19/4 tới đây, Tập đoàn Hòa Phát sẽ chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội cổ đông thường niên năm 2022. Đại hội cổ đông thường niên 2022 của Hòa Phát dự kiến được tổ chức vào sáng 20/5 tại Hà Nội.

Khối ngoại hôm nay quay lại mua ròng 305 tỷ đồng. NLG của Nam Long được mua đột biến 155 tỷ đồng, VHM cũng được gom mạnh 83 tỷ đồng. CTG được mua 70,2 tỷ đồng… Ngược lại, VNM bị bán 36,4 tỷ đồng, BCM bị bán 31,5 tỷ đồng… BCM thậm chí có thời điểm là mã tác động tiêu cực nhất lên thị trường, riêng mã này đã lấy đi gần 1,2 điểm của VN-Index trong phiên sáng. 

Thanh khoản thị trường cải thiện nhẹ so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 16.379 tỷ đồng, tăng 5,4%, trong đó, giá trị khớp lệnh trên HoSE tăng 7% lên 14.430 tỷ đồng.