Tài chính - Ngân hàng

Cổ phiếu ngân hàng bị bán mạnh, chứng khoán giảm hơn 10 điểm

VN-Index không thể chinh phục được mốc 1.300 điểm khi thị trường phiên ngày 2/6 nghiêng về phe bán. Khối ngoại sau 4 phiên mua cũng quay trở lại bán ròng hơn 500 tỷ.

Phiên giao dịch đầu tháng 6 tưởng như VN-Index sẽ chinh phục lại dấu mốc 1.300 điểm thì phiên hôm nay (2/6), áp lực bán mạnh ở các cổ phiếu vốn hóa lớn khiến chứng khoán lại quay đầu giảm điểm.

Thực tế, thị trường mở cửa phiên giao dịch ngày 2/6 với sắc xanh. Tuy nhiên, đà tăng của chỉ số này không duy trì được lâu và rơi vào trạng thái giằng co. Cả 2 sàn HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều biến động giằng co ngay từ đầu phiên giao dịch.

Nhóm cổ phiếu dầu khí phiên đầu tháng phủ bóng sắc xanh thì nay lại có sự điều chỉnh khi PVC giảm 2,7%, PVS giảm 1,9%, PVD giảm 1,5%, GAS giảm 1,5%... từ đầu phiên. Các cổ phiếu lớn như MSN, TPB, VCB, HPG, VHM... cũng đều chìm trong sắc đỏ và gây áp lực đáng kể lên thị trường chung.

Ngược lại, nhóm ngành bán lẻ lại tiếp tục diễn biến tích cực. VN-Index biến động giằng co với các nhịp tăng, giảm điểm đan xen nhưng những pha giảm điểm lại chiếm ưu thế.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/6, VN-Index giảm 10,9 điểm, tương ứng 0,84% xuống 1.288,62 điểm. Vậy là thị trường vẫn chưa thể chinh phục ngưỡng kháng cự 1.300 điểm. Toàn sàn có 123 mã tăng, 332 mã giảm và 53 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,6 điểm, tương ứng 1,14% xuống 311,77 điểm. Toàn sàn có 56 mã tăng, 148 mã giảm và 50 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,78 điểm, tương ứng 0,82% xuống 94,32 điểm.

Chứng khoán chưa thể chinh phục lại mốc 1.300 điểm. (Ảnh: FireAnt)

Riêng nhóm VN30 phiên ngày 2/6 có tới 23 mã giảm giá. Khối này sang tay 154 triệu cổ phiếu. Những mã tác động xấu nhất tới thị trường chủ yếu cũng nằm trong nhóm VN30.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục giảm điểm mạnh sau những thông tin về việc thanh tra tại 8 ngân hàng TMCP. VCB là mã tác động xấu nhất đến chỉ số khi giảm 1,8%, bên cạnh đó, các mã nằm trong nhóm tác động xấu tới thị trường có thể kể đến BID giảm 1,2%, VPB giảm 1,9%, TCB giảm 1,2%, MBB giảm 1,4%... Nhiều mã ngân hàng khác cũng đều chìm trong sắc đỏ 3 phiên liên tiếp.

Tuy nhiên, một mã khác cũng có ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường là HPG. Mã này giảm hơn 3,4% trong phiên ngày 2/6, quay trở lại mốc hồi tháng 3/2021. HPG cũng có tới 25,3 triệu cổ phiếu sang tay trong ngày. Tất cả các mã HSG, NKG, POM, TLH… thuộc nhóm thép cũng đều diễn biến xấu, không có mã nào tăng giá.

Cổ phiếu dầu khí, điện cũng có ảnh hưởng xấu, bị điều chỉnh sau chuỗi tăng giá ấn tượng. Đáng kể như PLX của Petrolimex mất 2,2% còn 43.500 đồng/cổ phiếu, PVC giảm 3,9%, PVT mất 3,6%, OIL giảm 3,3%, REE bốc hơi 3,2%...

Nhóm cổ phiếu đầu cơ diễn biến xấu. (Ảnh: SSI)

Nhóm cổ phiếu đầu cơ cũng diễn biến tiêu cực, TGG của Louis Capital giảm sàn, OCG của Tập đoàn đại dương cũng diễn biến tương tự. LDG giảm 5,6%, QCG giảm 4,8%, DIG giảm 4,7%... 2 mã GEX, DXG hôm nay cũng giảm trên 4% hay HAG giảm 3,7%... Nhóm FLC vẫn tiếp tục bị bán mạnh trong ngày thứ 2 chỉ được mua - bán trong phiên chiều. Hôm qua, tòa nhà FLC Group tại Cầu Giấy bất ngờ bị tháo gỡ biển hiệu. 

Điểm sáng nhất có thể kể đến nhóm bán lẻ. MWG của Thế giới di động tăng 1,5% lên 147.700 đồng, PNJ bứt phá 5% lên 123.200 đồng, PET tăng trần, DGW tăng 1,9%, FRT tăng 3,4%... Hay như các cổ phiếu ngành thực phẩm, thủy sản cũng bứt phá mạnh ngược đà rơi của thị trường như BBC, DBC, SCD, FMC…

Thanh khoản thị trường cải thiện hơn so với phiên hôm qua. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 17.847 tỷ đồng, tăng 7,66%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 4,4% lên 14.782 tỷ đồng.

Khối ngoại sau 4 phiên mua ròng liên tiếp đã quay đầu bán. Khối ngoại phiên ngày 2/6 giải ngân 1.082 tỷ đồng nhưng lại bán ra 1.619 tỷ đồng. Tính chung đã bán ròng 536 tỷ đồng. HPG tiếp tục là mã dẫn đầu trong nhóm bị bán mạnh với 160 tỷ đồng. VIC của Vingroup cũng bị bán mạnh gần 100 tỷ đồng.