Tài chính - Ngân hàng

Cổ phiếu FLC được "giải cứu", sắc xanh trở lại trên sàn chứng khoán

Dòng tiền bắt đáy nhập cuộc giúp VN-Index tăng 9 điểm sau 6 phiên giảm sâu với nhiều cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản, ngân hàng, dầu khí... phục hồi.

Diễn biến thị trường chứng khoán hôm nay (22/4) được nhiều nhà đầu tư ví như tàu lượn khi tăng - giảm, đảo chiều bất ngờ trong ngày. Các nhà đầu tư trải qua nhiều cảm xúc chỉ trong một phiên giao dịch.

Cụ thể, sáng nay, sau phiên khớp lệnh xác định giá mở cửa, chỉ số đại diện cho sàn Tp.HCM tăng gần 19 điểm so với tham chiếu, lên sát vùng 1.390 điểm. Đây thậm chí là mức tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng này. 28 trong số 30 cổ phiếu thuộc rổ VN30 giao dịch trên tham chiếu, kéo thị trường trở lại. Dòng tiền đổ vào nhóm vốn hoá lớn sau đó lan sang các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.

Tại phiên sáng, nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ đều bị bán tháo đầu phiên như HQC, PTL, RIC, TNI... và cả cổ phiếu "họ FLC". Tuy nhiên sau đó nhóm này lại bật tăng trong sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư. 

Nhóm cổ phiếu FLC chính thức được giải cứu trở lại. Nguyên nhân được cho là từ thông tin Bộ Công an đang tìm các nhà đầu tư cổ phiếu FLC bị thiệt hại. Cụ thể, cơ quan điều tra đã đề nghị những người đầu tư chứng khoán "họ FLC" từ 1/12/2021 đến 10/1/2022 bị thiệt liên hệ để cung cấp thông tin nhằm phục vụ quá trình điều tra.

Sau thời gian thị giá nhóm này bị giảm từ 55-75%, hôm nay 4/6 cổ phiếu họ này tăng kịch trần gồm: FLC, AMD, ART, KLF... Ngoài ra, hai mã ROS và HAI không tăng trần song cũng biến động mạnh, tăng lần lượt 6,3% và 4,08%, nhiều thời điểm trong phiên cũng được khớp với giá trần. Thanh khoản của nhóm cổ phiếu này cũng cao đột biến. FLC khớp lệnh hơn 40 triệu cổ phiếu trong khi ROS khớp lệnh 32,6 triệu cổ phiếu. 

Cổ phiếu FLC được giải cứu với hơn 40 triệu cổ phiếu sang tay. (Ảnh: SSI)

Không chỉ FLC mà nhiều cổ phiếu đầu cơ khác cũng tăng mạnh. HQC đảo chiều tăng kịch trần. CII, NVT, LDG, RIC... cũng đều tăng mạnh 4-6% sau nhiều phiên giảm sâu.

Nhóm cổ phiếu liên quan đến ông Đỗ Thành Nhân - người mới đây đã bị bắt với cáo buộc thao túng chứng khoán như TGG, BII, SMT, VKC, APG, AGM vẫn giảm hết biên độ với lượng dư bán giá sàn lớn.

Có thời điểm chứng khoán lại lao dốc giảm mạnh xuống mức 1.351 điểm và tưởng như thị trường sẽ có 7 phiên giảm liên tục. Tuy nhiên, dòng tiền bất ngờ quay lại. Các cổ phiếu ngân hàng như VCB, TCB, ACB, BID, MBB, CTG… đều tăng, một số mã nằm trong nhóm tác động tích cực nhất đến thị trường như VCB, MBB, VPB, STB, ACB... Hay nhóm chứng khoán như SSI, VCI, CTS, SBS, SHS… tăng mạnh đã thúc đẩy xu hướng đi lên của chỉ số.

Nhóm VN30 hôm nay đã có một mã tăng kịch trần là GAS. Ngoài ra, nhóm này kết phiên cũng có tới 22 mã tăng giá và chỉ có 5 mã giảm giá là BVH, FPT, GVR, PLX...

Nhóm cổ phiếu bán lẻ sau nhiều phiên tăng bất chấp thị trường giảm hôm nay lại quay đầu. FRT, DGW thậm chí giảm sàn, PNJ giảm 3,36%... 

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 9,02 điểm, tương ứng 0,66% lên 1.379,23 điểm. Toàn sàn có 202 mã tăng, 256 mã giảm và 202 mã đứng giá. HNX-Index giảm 7,49 điểm, tương ứng 2,04% xuống 359,12 điểm. Toàn sàn có 127 mã tăng, 109 mã giảm và 37 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,74 điểm, tương ứng 0,71% xuống 104,15 điểm.

Sắc xanh quay lại nhóm cổ phiếu ngân hàng. (Ảnh: SSI)

Cổ phiếu DXG của Đất Xanh tăng trần sau thông tin ông Lương Trí Thìn "gom" cổ phiếu. Cổ phiếu GEX cũng tiếp tục tăng tích cực 1,7% sau khi CEO Nguyễn Văn Tuấn đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu. Một lãnh đạo doanh nghiệp khác là Chủ tịch Trí Việt Phạm Thanh Tùng cũng đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu TVC. Song, thông tin này không đủ "đỡ" đà rơi của cổ phiếu này. TVC hôm nay giảm 8,7%. 

Khối ngoại mua ròng 6 phiên liên tiếp. Hôm nay khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 900 tỷ đồng. Như vậy trong tuần qua dù VN-Index chỉ có một phiên tăng điểm vào cuối tuần thì khối ngoại vẫn liên tục gom mạnh. Có đến ba mã hôm nay được khối ngoại mua quanh mốc 100 tỷ đồng là DXG, DCG, MSN. Nhiều mã khác cũng được mua mạnh như VNM (87 tỷ đồng), GAS (82,7 tỷ đồng), HPG (66,2 tỷ đồng), KDH (63,6 tỷ đồng)... Vẫn còn một số mã bị bán, mạnh nhất là DPM với 78 tỷ đồng. Ngoài ra, VND bị bán 54 tỷ đồng, VHM (43 tỷ đồng), OCB (34,3 tỷ đồng)...

Thanh khoản thị trường tăng so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh đạt 26.429 tỷ đồng, tăng 6%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 4,6% lên 22.994 tỷ đồng.