Hồ sơ doanh nghiệp

Cổ phiếu đắt nhất sàn VNZ bị hạn chế giao dịch

Do chậm nộp BCTC năm 2022 đã kiểm toán quá 45 ngày, cổ phiếu của “kỳ lân” công nghệ VNG bị HNX đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 25/5.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra thông báo về việc đưa cổ phiếu của Công ty Cổ phần VNG (UPCoM: VNZ) vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 25/5/2023.

Nguyên nhân là do tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Theo đó, cổ phiếu VNZ chỉ được giao dịch vào phiên thứ sáu hàng tuần kể từ ngày quyết định có hiệu lực.

Phía VNG cho biết, lý do chậm công bố BCTC kiểm toán 2022 do doanh nghiệp đang thực hiện song song BCTC theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và Chuẩn mực quốc tế (IFRS).

Nguyên nhân do VNG hiện hoạt động không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều nước trên thế giới, với 33 công ty con và 7 công ty liên kết. Trong đó, 18 công ty con và 1 quỹ xã hội – tổ chức phi lợi nhuận hoạt động tại Việt Nam và 14 công ty con ở nước ngoài với các quy định về kế toán và pháp lý khác nhau.

Trước những lý do trên, VNG cần nhiều khá nhiều thời gian để kiểm tra, đối chiếu, xác nhận các thông tin, đảm bảo số liệu của BCTC thống nhất và đáp ứng chuẩn mực kế toán cả trong và ngoài nước.

Trước đó ngày 31/3, VNG đã công bố thông tin bất thường về việc tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Phía doanh nghiệp giải trình việc xin gia hạn này xuất phát từ nguyên nhân khách quan, cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các cổ đông và nhà đầu tư.

VNG cho biết đang gấp rút hoàn thành việc kiểm tra, đối chiếu và kiểm toán xong số liệu để có thể phát hành báo cáo tài chính trong thời gian HNX yêu cầu và cổ phiếu VNZ có thể sớm giao dịch bình thường trở lại.

Vốn hoá của VNG “bốc hơi” gần 17.000 tỷ đồng sau hơn 3 tháng.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 24/5, mã VNZ dừng ở mức 740.000 đồng/cp. Hiện mã này vẫn đang là cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, so với mức đỉnh đạt được vào giữa tháng 2, cổ phiếu VNZ đã giảm hơn 45% thị giá. Vốn hoá tương ứng “bốc hơi” gần 17.000 tỷ đồng sau hơn 3 tháng, còn chưa đến 1 tỷ USD.

Về kết quả kinh doanh quý đầu năm, VNG ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.852 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, VNG ghi nhận doanh thu tài chính giảm 57% xuống còn hơn 18 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính tăng gấp đôi lên gần 8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VNG ghi nhận khoản lỗ gần 27,5 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết.

Kết quả, “kỳ lân” công nghệ báo lỗ sau thuế hơn 90 tỷ đồng và là quý thứ 6 liên tiếp doanh nghiệp báo lỗ. Tuy nhiên, con số này đã thu hẹp so với cùng kỳ năm trước ghi nhận lỗ hơn 130 tỷ đồng và quý IV/2022 ghi nhận lỗ hơn 547 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của VNG ghi nhận ở mức hơn 8.975 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp tăng 7% lên gần 2.838 tỷ đồng.

Tổng các khoản vay ngắn hạn và dài hạn của là 663,7 tỷ đồng, tăng 34% so với đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp vay Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) 550 tỷ đồng; phần còn lại là 113,7 tỷ đồng vay Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Phía doanh nghiệp cho biết, khoản vay từ hai ngân hàng này nhằm mục đích tài trợ cho Dự án Trung tâm dữ liệu và sản xuất phần mềm, đồng thời VNG dùng để đầu tư tài sản cố định.