Tài chính - Ngân hàng

Cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, xây dựng bị bán tháo

Tâm lý tiêu cực nối tiếp từ đợt giảm điểm tuần trước khiến thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc. Có tới 87 mã giảm kịch sàn vì áp lực bán tháo cuối phiên 18/4.

Tâm lý tiêu cực nối tiếp từ đợt giảm điểm tuần trước khiến thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc khi mở cửa phiên 18/4. Chỉ số chính mở cửa ngay lập tức chìm trong sắc đỏ và càng lùi sâu hơn về cuối buổi sáng, có thời điểm có đến đến 776 mã giảm giá, trong đó có 87 mã giảm sàn.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 25,96 điểm, tương ứng 1,78% về mốc 1.432 điểm. Đây là mức thấp nhất kể từ hồi tháng 10/2021. Thậm chí nếu so với vùng đỉnh hồi đầu năm, chỉ số đã rơi khoảng 95 điểm, tương ứng gần 6,3% vốn hóa "bốc hơi".

Tại sàn Hà Nội, HNX-Index lao dốc 13,59 điểm, tương ứng 3,26% về 403,12 điểm và UPCoM-Index rơi 1,91% xuống mốc 110,21 điểm.

Cổ phiếu vốn hóa lớn có tác động xấu lên chỉ số khi rổ VN30 giảm 25,5 điểm. Các mã có tác động tiêu cực tới thị trường hôm nay cũng đều thuộc nhóm này như VCB, CTG, VPB, MBB, VHM, VIC, MBB... Trong nhóm tác động tiêu cực nhất thì dẫn đầu là nhóm ngân hàng.

Tất cả các mã chứng khoán thuộc hệ sinh thái FLC đều giảm sàn ngay từ phiên sáng. Khối lượng khớp của các mã này so với trước đây đều giảm, không có mã nào thanh khoản trên 10 triệu cổ phiếu trong phiên. Nhóm này đã mất tới 50% thị giá kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết bị tạm giam cho tới nay.

Trong 87 mã giảm sàn hôm nay chiếm số lượng lớn là các mã thuộc ngành xây dưng, bất động sản. Có thể kể đến nhiều cái tên như HAR, DRH, CTD, TCD, DLG, HAP, HBC, CKG... Nhiều cổ phiếu đầu cơ cũng ghi nhận tình trạng tương tự như DC4, HNG, LCG, VPH, RIC, HQC...

Nhiều cổ phiếu bất động sản, xây dựng giảm kịch sàn, trắng bên mua. (Ảnh: SSI)

Nhà đầu tư cũng tranh bán sàn cổ phiếu họ Louis, Apec, DNP Corp, Gelex… trong phiên hôm nay. Cổ phiếu họ Louis cũng lao dốc về giá sàn tại các mã TGG, BII, APG, SMT, LDP, AGM. Cổ phiếu họ Apec và DNP Corp cũng ngấp nghé tại giá sàn, một số mã sàn như NVT. Cổ phiếu họ Licogi hay Gelex cũng giảm mạnh từ 4-6%. GEX giảm tới 6,3%. 2 mã thuộc hệ sinh thái Bamboo Capital là BCG và TCD cũng giảm sàn. 

Cổ phiếu chứng khoán tiếp tục giảm mạnh. Đây là nhóm nhạy cảm và diễn biến thay đổi theo thị trường. VCI, AGR, VIX, ORS, APG, FTS, CTS... giảm sàn về màu xanh lơ. Những mã đầu ngành như SSI cũng giảm 6,2%, VND giảm 4,4%... Nhóm cổ phiếu ngành thép chung trạng thái với HPG, HSG, NKG... giảm sâu.

Có thời điểm trong phiên chiều, lực bắt đáy xuất hiện giúp VN-Index thu hẹp biên độ giảm còn hơn 15 điểm. Tuy nhiên, diễn biến này kéo dài không lâu bởi bên cầm cổ phiếu cũng phản ứng lại bằng việc tranh thủ xả hàng. Chỉ số vì thế tiếp tục đảo chiều đi xuống. 

Điểm sáng nhất trong thị trường phiên 18/4 đến từ nhóm cổ phiếu công nghệ khi tăng giá bình quân hơn 2%, trong đó đáng kể là FPT tăng hơn 0,4% lên 115.500 đồng/cổ phiếu, CMG tăng 2,6% lên 70.700 đồng/cổ phiếu hay ELC thậm chí tăng kịch trần lên 29.400 đồng/cổ phiếu, ITD tăng 2,4%...

Ngoài ra, cổ phiếu thủy sản cũng bứt phá mạnh mẽ khi có ANV, ACL và AAM tăng kịch trần. Mã đầu ngành cá tra là VHC của Thuỷ sản Vĩnh Hoàn cũng tăng 0,8%. Cổ phiếu bán lẻ cũng ngược dòng thị trường, DGW thậm chí tăng kịch trần, PNJ cũng tăng 5,4%, MWG đứng giá...

Cổ phiếu công nghệ, bán lẻ, thủy sản ngược đà rơi mạnh, bứt phá trong phiên 18/4. (Ảnh: SSI)

Hay như các cổ phiếu cao su cũng tiếp đà tăng giá. DRC của Cao su Đà Nẵng tăng 6,2%, TNC của Cao su Thống Nhất tăng 6,1%, CSM tăng 3,8%, DPR tăng 2,2%, GVR tăng 2,2%...

Trong khi nhà đầu tư trong nước xả hàng thì khối ngoại lại mua vào. Khối ngoại mua 1.441 tỷ đồng song cũng bán ra 1.434 tỷ đồng khiến chênh lệnh chỉ còn khoảng hơn 6 tỷ đồng. Các mã được mua là GEX (81,26 tỷ đồng), DXG (65,7 tỷ đồng), DPM (58 tỷ đồng)... HPG tiếp tục là mã bị bán nhiều nhất với 107 tỷ đồng, BVH 102 tỷ đồng...

Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên trước khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu. Tổng giá trị giao dịch trên toàn sàn quay về mức trên 30.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng sàn HoSE chiếm 26.048 tỷ đồng.