Tài chính - Ngân hàng

Cổ phiếu bán lẻ bứt phá, chứng khoán đi ngang

Nhóm dệt may, phân bón... tăng mạnh trong khi nhóm ngân hàng, dầu khí, xây dựng lại thiếu đà dẫn dắt, khiến thị trường gặp khó trước mốc 1.500 điểm.

Sau phiên giảm điểm, chứng khoán phiên 25/3 tăng nhẹ nhờ sự bứt phá của nhóm cổ phiếu bán lẻ, mệt may... Tuy nhiên sức tăng của nhóm này cũng chưa đủ nâng thị trường khiến chứng khoán vẫn đi ngang và chưa quay lại mốc 1.500 điểm.

Thị trường mở cửa phiên giao dịch ngày 25/3 với việc VN-Index tiếp tục tăng giá trong khi HNX-Index đi xuống. Tuy nhiên, biên độ của các chỉ số này là không lớn do các cổ phiếu trụ cột có sự phân hoá mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/3, VN-Index tăng 0,24 điểm (0,02%) lên 1.498,5 điểm. Toàn sàn có 231 mã tăng, 211 mã giảm và 61 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,05 điểm (0,23%) xuống 461,75 điểm. Toàn sàn có 113 mã tăng, 115 mã giảm và 63 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,27 điểm (0,23%) xuống 117 điểm.

Mã tác động tích cực nhất đến thị trường hôm nay là MWG - cổ phiếu của Thế Giới Di Động. Mã này hôm nay tăng 3,6% lên 138.900 đồng/cổ phiếu. Không chỉ MWG mà toàn ngành bán lẻ hôm nay đều tăng mạnh, cổ phiếu DGW của Thế Giới số tiếp tục tăng kịch trần. PNJ cũng tăng 1,12% lên 108.200 đồng/cổ phiếu. FRT hôm nay lại tiếp tục phá đỉnh lịch sử khi tăng 3,6% lên 155.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu của doanh nghiệp sở hữu FPT Long Châu đang trải qua thời điểm tăng dựng đứng suốt thời gian trở lại đây. 

MWG là mã tác động tích cực nhất đến thị trường hôm nay. (Ảnh: FireAnt)

Nhóm cổ phiếu dệt may hôm nay cũng biến động tích cực. Trong đó, TNG tăng 5,2%, STK tăng 5,2%, VGG tăng 1,8%, VGT tăng 2,75%...

SII hôm nay tiếp tục tăng kịch trần. Một cổ phiếu liên quan là CII lại tiếp tục giảm hơn 2%. 

Trong khi đó, việc thiếu đi sự dẫn dắt của các nhóm đầu ngành như ngân hàng, dầu khí, xây dựng, chứng khoán,... vẫn là nguyên nhân khiến thị trường gặp khó trước mốc 1.500 điểm.

VCB tiếp tục là một trong những mã tác động tiêu cực nhất đến thị trường hôm nay. Cổ phiếu này giảm 1,2% xuống mức 82.500 đồng/cổ phiếu. Không chỉ mã này mà hầu hết nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay đều giảm điểm, chỉ một vài mã tăng tuy nhiên không đáng kể. Các mã khác bị giảm mạnh với khối lượng bán mạnh hôm nay là MBB, ABB, ACB, HDB, LPB, OCB, VIB...

HQC tiếp tục là mã được giao dịch nhiều nhất hôm nay, dù khối lượng sang tay đã giảm so với phiên trước, đạt 28,8 triệu cổ phiếu. Mã này hôm nay giảm 0,15% xuống còn 10.100 đồng/cổ phiếu. Doanh nghiệp nhà ở xã hội đang trải qua tuần "sóng gió" bởi nhóm cổ đông Louis Holdings muốn bổ sung thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) trong khi Chủ tịch là ông Trương Anh Tuấn lại muốn tăng sở hữu thông qua việc hoán đổi nợ.

VNM của Vinamilk là một trong những cổ phiếu lớn giảm điểm hôm nay. VNM giảm 4 phiên liên tiếp và hôm nay dừng tại mức 75.200 đồng/cổ phiếu. VNM đã mất hơn 10% so với thời điểm đầu năm và giảm hơn 20% trong một năm gần nhất. Thị giá này đã quay về vùng giá tương đương hồi giữa tháng 3/2020. Nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu VNM thời gianqua chịu lỗ nặng, nhất là trong bối cảnh thị trường chung 2 năm gần nhất có xu hướng đi lên khá tích cực. Trước đây, VNM từng là cổ phiếu hấp dẫn bậc nhất trên sàn chứng khoán.

VNM từng là cổ phiếu hấp dẫn bậc nhất trên sàn chứng khoán song hiện giảm mạnh. (Ảnh: FireAnt)

NVT của Bất động sản Ninh Vân Bay chưa ngừng đà tăng trần. Cổ phiếu này lại tiếp tục tăng trần 6,8% lên 26.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này liên tục phá đỉnh lịch sử của chính mình. Hôm nay, mã này có 68.200 cổ phiếu sang tay. Một cổ phiếu liên quan là HUT hôm qua giảm kịch sàn xong hôm nay đảo chiều tăng kịch trần khiến nhà đầu tư không khỏi bỡ ngỡ.

Khối ngoại hôm nay tiếp tục bán ròng tuy nhiên lượng bán ròng không nhiều. Hơn 48,9 tỷ đồng được khối ngoại bán ra hôm nay. Một số cổ phiếu vẫn được mua hôm nay là DGC (4,4 tỷ đồng), DPM (56,2 tỷ đồng), VCG (27,5 tỷ đồng), VHC (27,5 tỷ đồng)... Một số mã bị bán ròng mạnh nhất là VNM (63,8 tỷ đồng), VCI (57,74 tỷ đồng), DXG (48,7 tỷ đồng), GMD (32,5 tỷ đồng)... 

Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 27.759 tỷ đồng, giảm 2,4%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 4% xuống 22.665 tỷ đồng.