Hồ sơ điều tra

Xét xử vụ Alibaba: Có người hứa thay Nguyễn Thái Luyện bồi thường 2.400 tỷ đồng

Theo HĐXX, trước phiên xử phúc thẩm có người đồng ý thay vợ chồng Nguyễn Thái Luyện bồi thường toàn bộ cho những người bị hại.

Ngày 9/5, phiên tòa xét xử Nguyễn Thái Luyện, SN 1985, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba) và các đồng phạm về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền, tiếp tục với phần thẩm vấn.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm tại tòa.

Tại phiên tòa hôm nay, chủ tọa thông báo, trước ngày diễn ra phiên xét xử phúc thẩm, một người bạn làm ăn chung với bị cáo Nguyễn Thái Luyện đồng

 ý thay vợ chồng Luyện bồi thường toàn bộ cho những người bị hại. 

Người này cũng nộp 12 tỷ đồng thay cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Nguyễn Thái Luyện) để khắc phục hậu quả mà Mai bị tuyên buộc phải nộp lại. Bị cáo Luyện cũng đã có văn bản đồng ý với các nội dung trên.Ngoài ra, HĐXX cũng cho biết, qua xác minh thông tin bị cáo Mai bị động thai nên không đến tòa thì thấy đây là thông tin chính xác. Do phiên xử diễn ra dài ngày, bị cáo Mai lại kêu oan, do đó HĐXX lưu ý luật sư nếu ngày nào nữ bị cáo đủ sức khỏe thì đến tham dự phiên tòa để đảm bảo quyền lợi cho mình.

Trước đó, khai tại phiên tòa ngày hôm qua (8/5), bị cáo Nguyễn Thái Luyện cho rằng chưa bao giờ có suy nghĩ hay có ý thức chiếm đoạt tiền của khách hàng, mà chỉ muốn làm ăn đàng hoàng.

Theo Luyện, việc mình lập dự án, bán nền đất tuân thủ đúng luật Đất đai, nhưng cơ quan chức năng lại cho rằng bị cáo có tội. “Nếu toà án phúc thẩm cho là bị cáo có tội thì bị cáo xin nhận toàn bộ trách nhiệm thuộc về mình và xin giảm nhẹ cho các bị cáo còn lại”, bị cáo Luyện nói.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện bị cáo buộc lợi dụng sự hiểu biết về pháp luật đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tìm cách lách luật, tạo dựng nên hệ thống kinh doanh dự án bất động sản không có thật mà theo mô hình đa cấp để lừa đảo hơn 4.000 bị hại là khách hàng và cả người thân của các bị cáo, thu lợi hơn 2.400 tỷ đồng.

Tòa sơ thẩm TAND Tp.HCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuyên phạt Võ Thị Thanh Mai 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 12 năm tù tội Rửa tiền. Tổng hợp hình phạt Mai phải chấp hành là 30 năm tù, thời gian phạt tù được tính từ lúc bắt bị cáo để thi hành án.

Tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Lực 17 tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 10 năm tù tội Rửa tiền, tổng hình phạt bị cáo phải chấp hành là 27 năm tù.

Tuyên phạt Huỳnh Thị Kim Thắng 3 năm tù treo về tội Rửa tiền, thời gian thử thách là 5 năm.

Nhóm bị cáo còn lại bị tuyên phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tòa tuyên phạt bị cáo Trang Chí Linh 19 năm tù, Trương Thị Hồng Ngọc 18 năm tù.

Các bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh, Bùi Minh Đức, Huỳnh Thị Ngọc Như bị tuyên phạt cùng mức án 17 năm tù.

Nguyễn Lê Hoàng Lan 16 năm tù; Trần Huy Phúc, Phan Ngọc Nguyên cùng mức án 15 năm tù.

Trịnh Minh Phát 13 năm tù. Các bị cáo Nguyễn Trần Phúc Nguyên, Vũ Hoàng Hải, Nguyễn Thị Vân Anh, Đào Thị Thanh Lợi bị tuyên phạt cùng mức án 12 năm tù.

Tuyên phạt Nguyễn Huỳnh Tú Trinh 12 năm tù. Tổng hợp bản án 4 năm 6 tháng tù trước đó, bị cáo phải chấp hành chung là 16 năm 6 tháng tù.

Tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Quang Sơn, Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Trung Trường, Vi Thị Hiến, Võ Văn Trần Quang cùng mức án 10 năm tù giam.

Buộc Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai bồi thường 2.445 tỷ đồng cho 4.548 bị hại.

Sau bản án, Nguyễn Thái Luyện, SN 1985, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba kháng cáo kêu oan vì cho rằng mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Vợ của Luyện là bị cáo Võ Thị Thanh Mai cũng kháng cáo kêu oan, vì cho rằng mình không rửa tiền và không lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Em trai của Luyện là Nguyễn Thái Lực và Nguyễn Thái Lĩnh cũng có đơn kháng cáo xem xét lại nhiều vấn đề trong vụ án, hoặc kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngoài ra còn 11 bị cáo khác cũng có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bên cạnh đó, có 95 người bị hại và 2 người liên quan kháng cáo một phần bản án sơ thẩm.