Sự kiện

Có nên quản lí Grab và GoViet như quản lí hàng không?

Có ý kiến cho rằng, việc đánh mất thị phần nội địa với xe công nghệ có thể coi là một thất bại trong việc bảo vệ kinh tế quốc gia ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp công nghệ trong nước. Từ đó đặt ra câu hỏi: "Liệu chúng ta có nên quản lí Grab và GoViet như quản lí ngành hàng không"?

Trong khi các thương hiệu xe Việt vẫn đang loay hoay tìm đường tồn tại trên chính sân nhà thì các loại hình xe gọi công nghệ (của những công ty quốc tế) như Grab, GoViet, Be,...đã có những bước phát triển chóng mặt. Việc tăng trưởng quá nhanh cũng khiến khâu quản lý các loại hình xe này gặp khá nhiều khó khăn. Từ thực tế trên, nhiều người đặt ra câu hỏi: “Có nên quản lí Grab và GoViet như quản lý ngành hàng không?”.

Theo đó, ngành Hàng không Việt Nam hiện nay quy định: Các hãng hàng không quốc tế không được bay nội địa; tổ chức quốc tế không được góp vốn quá 30% trong các hãng bay trong nước. Điều đó có thể nhằm đảm bảo an ninh không phận... nhưng cái cốt lõi của quyết định là nhằm giữ lại doanh thu của các đường bay nội địa cho các doanh nghiệp trong nước. Đây là một dạng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ, phát triển kinh tế trong nước trong bối cảnh hội nhập.

Trong khi đó, Grab và mới đây là GoViet (tức GoJek của Indonesia) và cả Uber trước đây đã thoải mái có mặt tại Việt Nam "bay" nội địa, luồn hết vào các ngõ ngách lớn nhỏ của các thành phố. Họ đã bắt đầu kiếm tiền bằng những cuốc xe trên đất Việt Nam, tạo ra một hệ sinh thái rộng, nhiều tầng lớp để bắt đầu kinh doanh các mặt hàng khác như bán hàng, kinh doanh tài chính.... Nói dễ hiểu hơn, họ đã xây được một cái chợ vào loại lớn nhất ngay trong lòng Việt Nam.

Điều đó trái ngược với quan điểm phát triển hàng không như trên. Uber là hãng xe công nghệ ra đời trước tiên nhưng con đường chinh phục các nước của sáng kiến công nghệ này không dễ dàng và thường bị đánh bật. Tại Trung Quốc, nhiều nỗ lực đã để DiDi đánh bật Uber, Grab xuất phát từ Malaysia, Gojek - một mô hình xe - chợ công nghệ hoàn thiện tại Indonesia và đang phát triển ra các nước.

Vì thế, việc đánh mất thị phần nội địa với xe công nghệ có thể coi là một thất bại trong việc bảo vệ kinh tế quốc gia. Trước hết là sự chậm chân của các doanh nghiệp công nghệ trong nước như FPT, VNPT, Viettel và các doanh nghiệp vận tải lớn. Tất nhiên, đó là một thất bại của các nhà quản lý, làm chính sách trong nước.

Để hiểu rõ hơn, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển để lắng nghe nhận định, phân tích của ông về vấn đề này.

Ông Hiển cho biết: “Có thể nói việc quản lí các hãng hàng không và quản lý GoViet và Grab là hai loại hình khác nhau, mỗi loại hình mang một tính chất riêng nên muốn quản lí như nhau là không được. Hình thức Uber, Grab đưa vào Việt Nam là những thứ họ đã áp dụng trên toàn cầu và cũng có một số nước họ cấm không cho. Đây phụ thuộc vào quan điểm của các cơ quan quản lí liên quan đến việc cho hay không”.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, đề xuất quản lí Grab và GoViet như quản lí hàng không là không phù hợp. 

“Đặc biệt, đây là hình thức mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, bên cạnh đó tạo ra việc làm cho nhiều người. Việc quản lý như các hãng hàng không sẽ nảy sinh ra 2 phương án: Thứ nhất, việc thay đổi này có liên quan đến lợi ích người tiêu dùng và tạo việc làm hay không? Thứ 2 là chúng ta cấm thì trong nước có phương tiện gì thay thế hay không?

Theo tôi không nên áp việc quản lí hàng không vào vận tải, vì như thế hơi khập khiễng, khó quản lí. Cái này được phát sinh để phục vụ yêu cầu của người tiêu dùng, việc các hãng này được lan truyền rộng rãi là bởi nó mang lại tiện ích lớn”, ông Hiển cho biết thêm.

Cùng bàn về vấn đề này, chuyên gia giao thông, đại tá Trần Sơn nhận định: “Các hãng Grab, GoViet ra đời trước hết đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân cũng như các mạng điện thoại di đông, người dân được quyền lựa chọ những phương tiện của các hãng phù hợp với túi tiền và các thuận lợi của mình. 

Vấn đề của Nhà nước là phải quản lí thế nào để vừa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, vừa quản lí tốt về giao thông, đồng thời tránh cạnh tranh không lành mạnh hay thất thu thuế. Đây cũng là những điều Nhà nước hướng tới mà người dân cũng rất hoan ngênh.

Còn việc quản lí như thế nào trước hết phải do pháp luật hiện hành Việt Nam đồng thời phải tham vấn kinh nghiệm của nước ngoài trong việc quản lí những hãng taxi công nghệ.

Tương tự như việc bộ GTVT vừa đưa ra thông báo các doanh nghiệp Grab, Uber phải gắn mào, tôi nghĩ không hẳn như thế. Một khi nó là công nghệ thì cứ gì phải như taxi, rất nhiều người sử dụng không thích xe có mào. Nhất là trong thời điểm công nghệ thông tin hiện nay, rồi Nghị quyết 12 của Chính phủ mới đây cũng nêu nội dung hết sức quan trọng, nhất là thời điểm áp dụng tiến tới công nghệ 4.0 với giao thông vận tải thì không nhất thiết phải có mào mới được.

Vấn đề ở đây là nhà nước, bộ GTVT, các hiệp hội vận tải cùng phải ngồi với nhau để xem quản lí thế nào. Rõ ràng ngoài những thứ khiếm khuyết hiện nay thì nó được người dân rất đón nhận và ủng hộ. Giữa 1 bên là taxi gọi mãi không đến và bên là Grab, GoViet vào từng ngõ xóm rất nhanh thì tại sao không tạo điều kiện để nó phát triển, mà cứ nghĩ ra cái gì để hạn chế nó? Đây là trách nhiệm của bên quản lí, chúng ta không thể đẩy cái khó cho doanh nghiệp và người tiêu dùng được".

Nguyễn Lâm - Phạm Hằng