Đời sống

Có nên gội đầu vào ngày mùng 1 Tết ?

Dịp đầu năm mới, nhiều người truyền tai nhau những điều nên làm và không nên làm, trong đó có việc kiêng tắm rửa, gội đầu vào đêm giao thừa và ngày mùng 1 Tết.

Theo Hán Việt từ điển giản yếu của Đào Duy Anh, giao thừa có nghĩa là "Cũ giao lại, mới tiếp lấy".

Trong quan niệm của người châu Á nói chung, giao thừa là thời khắc quan trọng, linh thiêng nhất trong năm, là thời điểm trời đất giao hòa, vạn vật bừng lên sức sống mới đầy hy vọng.

Có lẽ vì nước tượng trưng cho tài lộc sinh sôi, phát triển nên đầu năm mới có nhiều kiêng kỵ liên quan tới nước như kiêng tắm rửa, gội đầu, giặt giũ. Với người dân Trung Quốc nói riêng, tóc là từ đồng âm với phát tài. Do đó, họ kiêng gội đầu hay cắt tóc đầu năm để giữ lại tài lộc.

Nhiều người còn kiêng tắm rửa, gội đầu vào đêm giao thừa vì e ngại "thần tướng" hao mòn, kiến thức, tài năng cùng phúc lành đã có trong năm cũ bị trôi sạch.

Thế nhưng theo lý giải của trang Sohu, mọi người vẫn có thể gội đầu và tắm rửa vào đêm giao thừa. Bởi vì việc này cũng có ý nghĩa là từ biệt những điều cũ và chào đón những điều mới.

Đêm giao thừa là đêm cuối cùng của tháng Chạp, sẽ nối tiếp sang ngày đầu tiên của tháng Giêng âm lịch, thời khắc này được gọi là "Canh tân". Đêm giao thừa có nghĩa là "cuối năm, cuối tháng và cuối ngày". Vì vậy, các hoạt động trong khoảng thời gian này đều tập trung vào việc loại bỏ cái cũ và đón nhận cái mới, loại bỏ tai họa và cầu phúc.

Trang parenting.com cũng nêu quan điểm tương tự. Đêm giao thừa được coi là ngày cuối cùng của năm cũ nên người ta phải tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mới và bật đèn để "tỉnh táo" trước khi màn đêm buông xuống và chào đón năm mới. Năm mới đến vào lúc nửa đêm với không khí và ánh sáng mới.

Tương tự, việc gội đầu vào ngày đầu năm cũng có nhiều quan điểm trái chiều.

Một số người cho rằng giữ cho thân thể luôn thơm tho sạch sẽ thì mới có thể đón nhận may mắn. Vì vậy, mùng một tháng giêng âm lịch vẫn tắm gội bình thường.

Ngược lại, không ít người tin rằng không thể tắm và gội đầu vào ngày mùng 1 Tết, nếu không tiền của sẽ bị thất thoát.

Dân gian quan niệm mùng 1, mùng 2 tháng Giêng Âm lịch là ngày sinh nhật của Thủy Thần. Do đó, không được gội đầu, giặt quần áo trong hai ngày này, nếu không sẽ thiếu tôn trọng với Thủy Thần. Hơn nữa, việc xả đi nhiều nước sẽ làm tổn phúc lộc.

Trang Sohu cho biết người dân tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) trước đây còn có phong tục không gội đầu vào ngày mồng một và 15 tháng Giêng Âm lịch, nếu không của cải sẽ bị trôi đi.

Những điều nên làm trong ngày mùng 1 Tết

Theo quan niệm dân gian, có những điều nên làm trong ngày đầu năm mới để có được niềm vui, sự may mắn cả năm.

-Mua muối

"Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi". Theo quan niệm của người xưa, muối giúp trừ tà ma, mang lại may mắn cho gia đình. Muối cũng là biểu tượng của tình cảm mặn nồng. Vì vậy, người Việt thường mua muối sáng mùng 1 Tết với ý nghĩa cầu mong sự đậm đà, tràn đầy tình cảm trong các mối quan hệ.

-Mặc đồ màu đỏ

Ở hầu hết các nước phương Đông, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc và phú quý. Hãy ưu tiên những món đồ mang sắc đỏ như một lời cầu chúc đầu năm gặp nhiều niềm vui.

-Đi lễ chùa

Tết Nguyên đán là dịp mọi người cầu mong an lành đến với cả nhà trong năm mới. Đi chùa vào dịp đầu năm để tĩnh lặng trong tâm hồn cũng như thành tâm cầu nguyện một năm nhiều an lành.

-Chúc Tết

Chúc Tết là một phong tục không thể thiếu trong ngày Tết, hãy gửi lời chúc đến những người thân yêu và bạn bè thân thiết của mình. 

-Hái lộc

Hái lộc đầu xuân là một nét đẹp trong ngày Tết truyền thống của người Việt. Người Việt thường đi hái lộc vào đêm giao thừa hoặc sáng mồng 1 để cầu một năm mới luôn may mắn và viên mãn, rước lộc về nhà. Nhưng hãy luôn đảm bảo các quy tắc phòng dịch trong thời điểm này.

*Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.

Minh Hoa (t/h)