Giáo dục

Nhiều người coi chứng chỉ IELTS là tấm "vé thông hành", chuyên gia nói gì?

Xem IELTS như một "tấm vé thông hành" giúp học tập và công việc thuận lợi hơn, nhiều người không tiếc tiền của đổ xô đi học, ôn thi loại chứng chỉ này.

Một số trường đại học, THPT tuyển thẳng bằng IELTS

Tính đến thời điểm này nhiều trường Đại học công bố phương án tuyển sinh năm 2023. Trong đó không ít trường sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ IELTS.

Năm 2023, Đại học Ngoại thương cho biết sẽ giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh đại học chính quy như năm 2022. Nhà trường xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập/chứng chỉ năng lực quốc tế dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và các chương trình chất lượng cao Ngôn ngữ thương mại. Phương thức này cũng tuyển sinh từ ngày 22 đến 31/5. Kết quả tuyển sinh sẽ công bố trước khi thí sinh thi tốt nghiệp THPT.

Theo báo Tiền Phong, Trường Đại học Kinh tế quốc dân có phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường sử dụng chứng chỉ Tiếng Anh đối với 2 nhóm thí sinh. Trong đó, nhóm thứ nhất hướng đến thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, điều kiện nhận hồ sơ là thí sinh đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: Listen & Read 785, Speak 160, Write 150) trở lên và có điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của môn Toán và 1 môn khác môn Tiếng Anh thuộc các tổ hợp xét tuyển của trường.

Nhóm thứ hai hướng đến thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo đó, thí sinh muốn xét tuyển, ngoài đáp ứng về điểm thi đánh giá năng lực phải có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2023 đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: Listen & Read 785, Speak 160, Write 150) trở lên.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đưa ra phương thức tuyển sinh bằng xét tuyển kết hợp với điều kiện thí sinh có chứng chỉ quốc tế Tiếng Anh (Tiếng Pháp) tương đương IELTS 5.0 trở lên, hoặc có kết quả trong kỳ thi SAT đạt từ 1100/1600, hoặc ACT đạt từ 22/36. Các chứng chỉ phải còn hiệu lực tính đến ngày xét tuyển.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng có phương thức xét tuyển thẳng các thí sinh là học sinh các trường THPT có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: IELTS hoặc TOEFL iBT hoặc TOEIC; DELF hoặc TCF; HSK và HSKK (thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2023).

Tại phía Nam, Trường Đại học Luật Tp.HCM thực hiện xét tuyển sớm đối với thí sinh đạt điều kiện IELTS từ 5.5 trở lên hoặc TOEFL iBT từ 65 điểm trở lên; DELF B1 từ B1 trở lên hoặc TCF từ 300 điểm trở lên; JLPT từ N3 trở lên.

Hiện còn vài tháng nữa mới đến Kỳ tuyển sinh đại học 2023 dự kiến nhiều trường "hot" sẽ sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển.

Thời gian qua không chỉ các trường đại học mà các trường THPT cũng "trọng" IELTS. Cụ thể năm nay, nhiều trường THPT "hot" ngoài công lập tại Hà Nội dành ưu tiên cho các thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh, các em có thể được tuyển thẳng, thậm chí được cấp học bổng nếu sở hữu IELTS 5.5 trở lên.

Hệ thống Archimedes School mới đây đã công bố thông tin tuyển sinh vào lớp 10 tại Trường Tiểu học, THCS & THPT Archimedes Đông Anh năm học 2023 - 2024. Theo đó, học sinh có chứng chỉ IELTS 5.5 trở lên còn hiệu lực tính đến ngày xét tuyển sẽ được tuyển thẳng vào Trường Tiểu học, THCS & THPT Archimedes Đông Anh. Học bổng 50/40/20 triệu đồng được nhà trường dành tương ứng cho các học sinh có IELTS 7.0/6.5/6.0.

Năm học 2023-2024, Trường THPT Đoàn Thị Điểm xét tuyển thẳng vào lớp 10 đối với những học sinh có chứng chỉ IELTS đạt từ 6.5 trở lên. Năm ngoái, trường tuyển thẳng các đối tượng là học sinh có chứng chỉ IELTS đạt từ 5.0 trở lên.

Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn tuyển thẳng học sinh lớp 10 năm học 2023-2024 có chứng chỉ tiếng Anh còn thời hạn đến ngày 31/8/2023, yêu cầu là điểm IELTS từ 5.5 trở lên (do Hội đồng Anh hoặc IDP cấp), điểm TOEFL iBT từ 65 điểm trở lên. Học sinh đạt điểm trung bình các môn từ 8.0 trở lên và học sinh có kết quả IELTS từ 7.0 trở lên, sẽ được giảm 20% học phí.

Hệ thống giáo dục Lômônôxốp cho biết, học sinh có một trong các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế của Cambridge: IELTS (5.5 trở lên), PET hoặc FCE (từ 160 điểm trở lên) tương đương trình độ B2 theo khung tham chiếu châu Âu về ngôn ngữ (CEFR) và điểm trung bình các môn Toán, Ngữ văn, Anh văn năm lớp 6, 7, 8, 9 đều đạt từ 7.0 trở lên, sẽ được tuyển thẳng năm học 2023-2024.

Không chỉ Hà Nội, nhiều trường học ở các tỉnh, thành phố khác cũng sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên vào lớp 6 và lớp 10. 

Trước những thuận lợi mà chứng chỉ IELTS mang lại, nhiều người bắt đầu đi học và ôn tập thi. Chia sẻ về vấn đề này trên Dân Việt, thầy Vũ Khắc Ngọc (từng tham gia đội tuyển thi Học sinh giỏi cấp Quốc gia môn Hóa học năm 2004, Gương mặt trẻ tiêu biểu Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2005, cán bộ nghiên cứu phòng Hóa sinh Protein, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) hiện là giáo viên luyện thi Hóa nổi tiếng tại Hà Nội bày tỏ: "Cho trẻ con học tiếng Anh miệt mài từ cấp mầm non, tới hết phổ thông, rồi chốt lại bằng chứng chỉ IELTS. Suốt mười mấy năm trời cho 1 ngoại ngữ như vậy có thật sự ổn không?".

Thí sinh thi thử IELTS trên máy tại một điểm thi ở Hà Nội. Ảnh: Vnexpress.

" Ngoại ngữ phải là năng lực thực sự"

Trao đổi với báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, trào lưu xét tuyển thẳng học sinh THPT qua chứng chỉ IELTS có thể xuất phát từ nhận thức tích cực của một số phụ huynh, nhà trường muốn hướng con mình, học sinh của mình đến năng lực công dân toàn cầu, mà một trong những tiêu chí đó chính là ngoại ngữ.

Khi vào Việt Nam, chúng ta thấy "mong muốn con trở thành công dân toàn cầu" ấy dường như bị "chủ nghĩa thành tích" làm cho sai lệch đi. Ở khối đại học, các trường đại học có thể có nhiều phương thức tuyển sinh như xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế... Với phương thức thi tốt nghiệp THPT để lấy kết quả xét tuyển, có thí sinh cảm thấy kỳ thi quá căng thẳng, áp lực, không dám đối diện và thường thì các em này sẽ đi tìm con đường khác để vào đại học dựa trên phát huy năng lực cá nhân, trong đó có ngoại ngữ.

Hiện, có rất nhiều trường tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ IELTS, chia sẻ xoay quanh vấn đề này PGS.TS. Trần Thành Nam cho rằng, nếu để phụ huynh, gia đình đua nhau đầu tư cho con học ngoại ngữ với mục đích nhằm có ưu thế hơn trong "cuộc đua" tuyển sinh thì đây lại là một sự "biến tướng". Ngoại ngữ phải là năng lực thực sự thì đứa trẻ đó sau này mới trở thành công dân toàn cầu thực sự. Nhiều người chỉ vì cơ hội học tập tốt hơn cho con nên dồn ép con đi học luyện, học vì điểm số, học cấp tốc,... trong khi bản chất của việc học luyện này cũng không khác gì chuyện chỉ dùng một số mẹo để đạt được điểm số yêu cầu mà điểm số đó lại không phản ánh đầy đủ năng lực của học sinh.

PGS.TS. Trần Thành Nam nhấn mạnh: "Đừng chỉ chạy theo IELTS, khi một ngày xã hội hướng đến "phổ cập" IELTS thì năng lực ngoại ngữ của các con sẽ gần như "bằng 0", hãy đầu tư vào ngoại ngữ hiếm - thị trường nhỏ và máy móc chưa hướng đến thì các con mới có thêm cơ hội khẳng định được vị thế của mình. Đặc biệt, phải chú trọng đến "học thật" - học chất lượng, chứ không phải sử dụng những chiêu trò, lợi dụng "lỗ hổng" để có điểm số cao, khi ấy, tấm bằng hay chứng chỉ cầm trên tay cũng chỉ như một chiếc áo hay chiếc mặt nạ bên ngoài, còn năng lực bên trong vẫn kém".

Thông tin trên Vnexpress, xuất hiện tại Việt Nam từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, chứng chỉ tiếng Anh IELTS ban đầu phục vụ một nhóm nhỏ đi du học theo các hình thức học bổng. Tuy nhiên, khi số người Việt đi du học ngày càng tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế dần trở nên quen thuộc, bởi đây là yêu cầu bắt buộc của hồ sơ du học. Hiện, các chứng chỉ phổ biến là IELTS, TOEFL, HSK và HSKK (tiếng Trung), JLPT (tiếng Nhật), TOPIK (tiếng Hàn), DELF (tiếng Pháp), tiếng Đức với chi phí từ 450.000 đến hơn 4,6 triệu đồng một lượt thi.

Theo Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 190.000 người đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài, tăng so với con số trên 170.000 vào cuối năm 2018 và 130.000 năm 2016.

Trong khi đó, khoảng 600.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hồi tháng 7. Thị trường lớn nhất từ 2018 đến nay là Nhật Bản.

Trúc Chi (t/h)