Kinh tế vĩ mô

Có khoảng 7 tỷ USD đang “chơi vơi” tại các dự án điện gió ở Việt Nam

Mỗi ngày trôi qua, 7 tỷ USD của nhà đầu tư và tài sản quốc gia không sinh lời, các ngân hàng cũng không dám giải ngân với các dự án điện gió chưa có COD.

Tại dự thảo Quy hoạch Điện VIII (bản trình Chính phủ tháng 11/2021), nhu cầu điện thương phẩm cả nước ở kịch bản cơ sở vào năm 2030 là 491 tỷ kWh, vào năm 2045 là 887 tỷ kWh. Công suất cực đại kịch bản cơ sở theo đó phải đạt 86,5GW vào năm 2030 và 155GW vào năm 2045.

So với dự thảo hồi tháng 3, dự thảo tháng 11 đã có sự chuyển biến tích cực, khi tỉ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn năm 2030 giảm từ 26,7% về 25,49%, năm 2045 giảm từ 17,1% về 12,9%. Tuy nhiên, công suất thực tế của nhiệt điện than vẫn tiếp tục tăng, lên 39.699MW vào năm 2030 và 43.149MW vào năm 2045.

Cần định chế tài chính rõ ràng

Chia sẻ tại toạ đàm “Tháo gỡ “điểm nghẽn” phát triển năng lượng tái tạo" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 22/12, ông Phạm Như Ánh - Thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, 1/2 các ngân hàng trong nước đang vướng cam kết quốc tế để cho vay điện than.

Ông Ánh đặt vấn đề: “Nếu không thực hiện năng lượng than thì chúng ta làm được năng lượng tái tạo không?”. Trả lời câu hỏi, ông Ánh cho rằng, Việt Nam vẫn cần nguồn năng lượng này và chưa thay thế được trong thời gian sắp tới, tuy tỉ trọng có thể giảm nhưng có thể thấy sản lượng tăng.

Ông Phạm Như Ánh - Thành viên Ban điều hành MB.

Nói về việc cho nhà đầu tư vay vốn đầu tư các dự án điện than hiện nay, đại diện MB cho biết, tất cả các định chế tài chính trên thế giới đang dừng điện than và hiện có 1/2 các ngân hàng trong nước đang vướng cam kết quốc tế để cho vay điện than.

“Như vậy trong giai đoạn dài hạn tới năm 2050, năng lượng quốc gia có vấn đề nếu không thực hiện các dự án điện than chuyển tiếp từ Quy hoạch điện VII sang điện VIII và quy hoạch điện VIII bổ sung”, ông Ánh nói.

Ông Ánh cho rằng có thể nghiên cứu phát hành trái phiếu năng lượng (có thể niêm yết) huy động từ các doanh nghiệp không phải chế tài chính và cá nhân, với kỳ hạn 10-15 năm có thể niêm yết thì mới giải quyết bài toán điện than và các vấn đề của Quy hoạch điện VIII.

Về năng lượng tái tạo, ông Ánh cho biết, MB có dư nợ cam kết 50.000 tỷ cho các dự án năng lượng này. Các dự án điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam với quy mô 100 - 200MW là lớn, 3 - 50MW là nhỏ phù hợp các năng lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam, nên doanh nghiệp tham gia nhiều tạo thị trường sôi động. Trong 3 năm vừa qua, phát triển năng lượng tái tạo tốt cho cả các nhà đầu tư và định chế tài chính.

Tuy nhiên, nói về điện gió, ông Ánh chia sẻ rằng: “Hiện có khoảng 7 tỷ USD đang “chơi vơi” tại các dự án điện gió, trong đó các ngân hàng góp 4 tỷ USD theo hình thức cho vay 70% tổng vốn đầu tư, chúng tôi không biết nên gia hạn hay đàm phán ra sao?”.

Theo ông Phạm Như Ánh, hiện có khoảng 7 tỷ USD đang “chơi vơi” tại các dự án điện gió.

Theo ông, đây là ảnh hưởng khách quan bởi dịch Covid-19, qua đó khiến các dự án chịu ảnh hưởng tối thiểu 4 tháng.

“Cứ mỗi ngày trôi qua, 7 tỷ USD của nhà đầu tư và tài sản quốc gia không sinh lời, các ngân hàng cũng không dám giải ngân với các dự án điện gió chưa có COD”, ông Ánh nói và nhấn mạnh, cần có tháo gỡ để các dự án này sinh ra dòng tiền, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia và các nhà đầu tư có bức tranh tài chính sáng sủa. Ông cũng đề nghị Bộ Công Thương cần có cơ chế gia hạn tối thiểu 4 tháng do ảnh hưởng bởi Covid-19.

Về điện gió ngoài khơi, đây là tương lai năng lượng với sức gió lớn, ổn định hơn, suất đầu tư lớn. Để huy động nguồn lực trong nước cần có giải pháp huy động được nguồn vốn trong nước. 

Theo đại diện MB Bank, các dự án dùng tài nguyên quốc gia này cần ưu tiên cho các nhà đầu tư trong nước. Do nhà đầu tư trong nước chưa đủ nguồn lực làm điện gió ngoài khơi, cần có chính sách để chia giai đoạn thực hiện dự án.

“Có thể chia ra để giá điện cao hơn đảm bảo truyền tài trong năm đầu, các năm thứ 2, thứ 3 có thể thấp hơn để đảm bảo giá bình quân dự án Nhà nước mua. Mặt khác, việc chia nhỏ như trên cũng giúp các nhà đầu tư và định chế tài chính tham gia một cách hiệu quả”, ông gợi ý.

3 rào cản cần tháo gỡ cho năng lượng tái tạo

Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho biết, giai đoạn 2020 - 2050, hệ thống năng lượng Việt Nam sẽ trải qua một quá trình chuyển đổi sâu sắc từ phần lớn dựa trên nhiên liệu hóa thạch sang tăng cường hiệu quả, dựa trên năng lượng tái tạo và thực hiện điện khí hóa rộng rãi trong khi tăng tính linh hoạt của hệ thống.

Theo ông Vy, để thực hiện hóa được chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, thời gian qua, Việt Nam đã ưu tiên đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo trong phát triển ngành năng lượng làm cơ sở xây dựng, phát triển thị trường năng lượng tái tạo. Đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.

Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA).

Tuy nhiên, theo vị Phó Chủ tịch Hiệp hội, các chính sách hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

“Thực tế cho thấy, vẫn chưa có chính sách dài hạn nhằm tạo ra môi trường đầu tư ổn định và có thể dự đoán được, đảm bảo dự đoán được dòng doanh thu của các dự án. Ngoài ra, còn thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn dụng các công nghệ năng lượng tái tạo, nhất là giá FIT cho các dự án năng lượng tái tạo được áp dụng thống nhất trong cả nước có thể dẫn đến hạn chế nguồn lực cho phát triển”, ông Vy nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Sản - đại diện Ban quản lý năng lượng, Tập đoàn T&T cho rằng, với các doanh nghiệp hiện nay, nhìn chung có 3 rào cản cần được tháo gỡ để phát triển năng lượng tái tạo.

Nêu ra rào cản thứ nhất, ông Sản nói về vấn đề lưới điện truyền tải chưa phát triển đồng bộ so với tốc độ phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Trong khi đó, bối cảnh và xu thế cho thấy tỉ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo ngày càng lớn và tiếp tục gia tăng trong tổng công suất nguồn điện ở Việt Nam.

Thực tế này đặt vấn đề cần cho phép và thu hút các doanh nghiệp tư nhân làm hạ tầng truyền tải điện được coi là một trong những giải pháp đột phá để tháo gỡ "điểm nghẽn" trong các tuyến đường dây truyền tải điện.

Rào cản thứ 2 được ông nói đến chính là tính dài hạn, thông suốt của chính sách. Theo ông Sản, phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Đảng và đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị, do vậy, nguồn điện mặt trời và điện gió đã gia tăng nhanh chóng trong các năm gần đây. Tuy nhiên, điện mặt trời đã bị chững lại từ sau 1/1/2021 và gần đây là điện gió sau 1/11/2021.

Ông Nguyễn Bá Sản - Đại diện T&T Group cho biết, hiện còn quá nhiều rào cản cần được tháo gỡ để phát triển năng lượng tái tạo.

“Điều này thể hiện cơ chế chính sách của chúng ta chưa liên tục, đang bị đứt gãy và gián đoạn. Đây cũng được coi một điểm nghẽn cần khơi thông dòng chảy và cần có một hành lang pháp lý thông suốt, thông thoáng, rõ ràng và liên tục. Các cơ chế chính sách áp dụng trong thời gian vừa qua chưa đưa ra được định hướng lâu dài", đại diện T&T Group nhấn mạnh và cho rằng, cần xem xét gia hạn giá FIT đối với các dự án điện gió dở dang cho đến khi có cơ chế chuyển đổi tiếp nối.

Rào cản thứ 3, theo ông Sản, là Việt Nam đang thiếu đi một Quy hoạch tổng thể đầy đủ để hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn điện gió ngoài khơi - loại hình năng lượng mà Việt Nam có tiềm năng rất lớn (tiềm năng kỹ thuật có thể đạt từ 160GW đến 475GW).

"Chúng ta chưa có một quy hoạch tổng thể, như quy hoạch không gian biển, quy hoạch điện gió ngoài khơi, cũng như các hướng dẫn, chỉ dẫn cần thiết, rõ ràng cho các bước đi trong quá trình thực thi như từ xin giấy phép khảo sát, đo gió, khu vực, địa điểm nào sẽ ưu tiên phát triển dự án trong giai đoạn đến 2030 và sau 2030", ông nói.