Dân sinh

Co kéo thưởng Tết cho người lao động, kỳ vọng kinh tế khởi sắc

Tiền thưởng Tết là băn khoăn của người lao động mỗi dịp cuối năm. Tình hình kinh tế không như kỳ vọng nên việc thưởng Tết còn tùy vào từng doanh nghiệp.

Chật vật lo thưởng Tết

Cuối tháng 12/2023, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Tp.HCM, cho biết trong tháng 12 và đầu năm sau, ngành lao động tập trung theo dõi, giám sát trả lương, thưởng Tết, các khoản hỗ trợ cho người lao động.

Với nhóm mất việc, khó khăn, đơn vị phối hợp tổ chức công đoàn chăm lo cho khoảng 139.000 trường hợp, tổng kinh phí 71 tỷ đồng. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ thành phố và các quận, huyện có kế hoạch về chăm lo người lao động, diện chính sách dịp Tết.

Mới đây Tổng liên đoàn lao động Việt Nam giao công đoàn cơ sở chủ động cùng chủ doanh nghiệp công khai kế hoạch trả lương, thưởng Tết Nguyên đán trước kỳ nghỉ 20 ngày. Tết năm nay kéo dài từ 29 tháng Chạp Quý Mão đến hết mùng 5 tháng Giêng Giáp Thìn (ngày 8/2-14/2/2024). Công đoàn đã kiến nghị doanh nghiệp công khai kế hoạch thưởng Tết chậm nhất trước 19/1/2024.

Lãnh đạo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng luật không bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng Tết, song khoản này thể hiện trách nhiệm xã hội của chủ nhà máy. Đặc biệt khi khó khăn, người lao động càng mong ngóng thưởng Tết, việc công bố sớm sẽ giúp họ an tâm.

Khi đơn hàng của công ty giảm sút, anh Võ Văn Tâm, 35 tuổi, công nhân tại một doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn Tp.Thủ Đức không được tăng ca, tuần chỉ làm 4 - 5 ngày. Thu nhập của anh mỗi tháng chỉ còn hơn 6 triệu đồng. Công việc bán đồ ăn sáng của vợ anh giờ trở thành công việc của anh sau giờ tan ca hay những ngày công ty nghỉ vì không có hàng sản xuất.

Nhiều công nhân như anh Tâm bị giảm việc nên hạn chế chi tiêu. Do đó, Thưởng Tết là khoản tiền mà anh Tâm luôn mong ngóng khi Tết gần đến, nhất là trong thời điểm khó khăn hiện nay.

“Tôi ráng làm chỉ mong cuối năm được nhận thưởng Tết, đây như khoản tích góp sau một năm làm việc vất vả ai ai cũng mong chờ, nhưng đến giờ vẫn chưa nghe công ty thông báo mức thưởng cụ thể, nên cũng lo lắng”, anh Tâm nói.

Đại diện Công đoàn Khu chế xuất – công nghiệp Tp.HCM (Hepza) cho biết, qua nắm thông tin ban đầu tình hình chung của các doanh nghiệp khá khó khăn. Nhiều công ty hụt đơn hàng, công nhân phải giảm giờ làm.

Tình hình khá ảm đạm nên mức thưởng tốt nhất công đoàn kỳ vọng là bình quân một tháng lương cho công nhân. Phía Công đoàn Hepza cũng lên phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp quá khó khăn, không có thưởng cho lao động bằng các hình thức như tặng quà, vé tàu xe, tiền mặt, hỗ trợ mua hàng giảm giá...

Tăng cường dự báo thị trường

Báo cáo sơ bộ của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp đều đã có phương án thưởng Tết 2024 cho người lao động, mức thưởng cao hơn so với năm 2023. Đại diện VCCI cũng kỳ vọng sang năm tới tình hình kinh tế sẽ tăng trưởng để đảm bảo các chế độ lương, thưởng tốt hơn cho người lao động.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam thông tin, đến nay các doanh nghiệp trong ngành đều đã có phương án trả lương, thưởng và lịch nghỉ Tết cho người lao động.

"Doanh nghiệp nào thưởng ít nhất cũng 1 tháng lương, thậm chí có doanh nghiệp thưởng đến 4 tháng lương", ông Thuấn thông tin.

Về tình hình đơn hàng, việc làm của ngành trong năm tới, ông Thuấn nhận định, hiện thị trường thế giới vẫn bất định, và các thị trường xuất khẩu của Việt Nam hàng tồn kho còn rất nhiều.

Dự kiến, quý I và quý II/2024 dù tình hình kinh tế có thể sáng hơn năm 2023 nhưng chưa thể quay lại thời kỳ của năm 2022, do đó, khả năng từ quý 3/2024 trở đi đơn hàng mới có sự cải thiện.

Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh Đồng Nai cũng cho hay, mặc dù doanh nghiệp trải qua nhiều khó khăn nhưng công đoàn đã đàm phán, thương lượng thành công với ban giám đốc để có thưởng Tết và tăng lương cho hơn người lao động.

Trong khi đó, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Tp.HCM (Falmi) đã có báo cáo thị trường lao động năm 2023 và dự báo nhu cầu nhân lực năm 2024 tại thành phố.

Theo Falmi, năm 2023, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thành phố vẫn làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III/2023 ước đạt 6,71%, 9 tháng ước tăng 4,57% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Falmi đã khảo sát 15.534 doanh nghiệp, kết quả cho thấy, có 2.469 doanh nghiệp (chiếm 15,89%) trả lời tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn.

Lĩnh vực, ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là: Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; kinh doanh bất động sản…

Phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ sản phẩm (chiếm 58%); khó khăn về vốn (chiếm 21,03%); thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất (chiếm 18,09%)…