Thế giới

Cơ hội hồi sinh điện hạt nhân ở châu Á

Châu Á đang cho ngành công nghiệp điện hạt nhân từng bị “xa lánh” một cơ hội thứ hai khi cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, cũng như các quốc gia châu Á khác, đang quay lại ủng hộ nguồn năng lượng carbon thấp giữa lúc khí hậu biến đổi khó lường, giá năng lượng tăng vọt và những lo ngại về an ninh năng lượng làm lu mờ những lo ngại về an toàn trước đây.

Việc chuyển hướng trở lại năng lượng hạt nhân diễn ra sau khi giá khí đốt tự nhiên và than đá, 2 loại nhiên liệu hóa thạch được sử dụng để tạo ra phần lớn điện năng của châu Á, tăng lên mức kỷ lục trong năm nay theo sau cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Khi thế giới hạn chế nhập khẩu nhiên liệu từ Nga, nguồn cung sẽ tiếp tục eo hẹp và giá cao trong tương lai. Do đó, năng lượng hạt nhân trở nên rất hấp dẫn đối với các nhà hoạch định chính sách và các công ty mong muốn kiềm chế lạm phát, đạt được các mục tiêu xanh và hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp năng lượng ở nước ngoài.

Nguồn năng lượng giá rẻ

Tương lai của điện hạt nhân vẫn còn tươi sáng cho đến tháng 3/2011, khi một trận sóng thần lớn tấn công nhà máy Fukushima Dai-Ichi ở Nhật Bản, dẫn đến thảm họa tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Sau thảm họa này, một số chính phủ trên thế giới càng thêm tin tưởng rằng rủi ro của điện hạt nhân lớn hơn nhiều so với lợi ích của nó.

Đức và Đài Loan (Trung Quốc), do đó, đã quyết định đưa ra thời hạn đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân của mình. Chi phí khổng lồ để xây dựng cơ sở vật chất mới cũng là những yếu tố ngăn cản các nước theo đuổi điện hạt nhân.

58% người dân Nhật Bản ủng hộ việc khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: DW

Giờ đây, khi hóa đơn tiền điện tăng vọt và các quốc gia phải đối phó với lạm phát do nhiên liệu hóa thạch gây ra, các chính phủ lại tìm đến hạt nhân. Các nhà máy điện hạt nhân cần ít uranium để hoạt động, sản xuất năng lượng suốt ngày đêm, không giống như các dự án năng lượng tái tạo dễ bị gián đoạn như điện gió và điện mặt trời.

Ngoài ra, tiến bộ khoa học giúp cho việc xây dựng các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn, khiến điện hạt nhân trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn để ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Các nhà máy điện hạt nhân hiện đang sản xuất những loại điện có giá rẻ nhất. Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt đã làm cho những lợi thế kinh tế của điện hạt nhân càng trở nên rõ ràng hơn”, ông David Hess, nhà phân tích chính sách tại Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, cho biết.

Còn theo ông Brandon Munro, CEO công ty uranium Bannerman Energy (Úc), sự phản đối vì nỗi sợ hãi những thảm họa như Fukushima đã không còn mạnh mẽ như trước, vì một thập kỷ đã trôi qua với nhiều nghiên cứu khoa học được thực hiện, và các quốc gia châu Á đang phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng hơn do thiếu năng lượng.

Tình hình chung ở châu Á

Điều đó giải thích tại sao Nhật Bản, nước phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu để sản xuất phần lớn điện năng, tuyên bố rằng họ sẽ xem xét phát triển và xây dựng các lò phản ứng thế hệ tiếp theo, đồng thời thúc đẩy việc khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân không hoạt động. Đó là một “cú quay xe” của Nhật Bản, vì trong thập kỷ trước, quốc gia này cho biết họ sẽ không xây mới hay thay thế các nhà máy điện hạt nhân cũ.

Nhật Bản đã bắt đầu khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân đã ngừng hoạt động kể từ thảm họa năm 2011, với việc Thủ tướng Fumio Kishida cam kết vận hành ít nhất 9 lò phản ứng ở phương Bắc vào mùa đông để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của đất nước.

Khoảng 58% cư dân Nhật Bản ủng hộ việc khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân, theo một cuộc thăm dò của báo Yomiuri được thực hiện vào đầu tháng 8. Đây là lần đầu tiên có nhiều người ủng hộ điện hạt nhân hơn là phản đối, kể từ khi tờ báo bắt đầu cuộc khảo sát vào năm 2017.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi trước khi trận động đất và sóng thần xảy ra năm 2011. Ảnh: ANS

Tương tự, ở Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Suk-yeol cam kết nâng tỉ lệ điện hạt nhân lên 30% tổng sản lượng năng lượng, đảo ngược kế hoạch loại bỏ lò phản ứng hạt nhân trước đây của chính phủ Hàn Quốc.

Tổng thống Yoon đã khôi phục việc xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân và tiếp tục duy trì những lò đã hoạt động, đảo ngược cam kết của người tiền nhiệm Moon Jae-in là loại bỏ dần điện hạt nhân ở quốc gia này.

Ông cũng tuyên bố sẽ đưa Hàn Quốc thành quốc gia xuất khẩu thiết bị và công nghệ hạt nhân, đồng thời tích hợp năng lượng nguyên tử và năng lượng tái tạo để thúc đẩy tiến trình trung hòa carbon.

Trung Quốc cũng cho biết họ sẽ đẩy nhanh các dự án điện hạt nhân và thủy điện khi vẫn đang phải vật lộn đối phó với đợt nắng nóng lịch sử dẫn đến tình trạng thiếu điện ở nhiều vùng trên cả nước.

Cho đến nay, Trung Quốc là hi vọng lớn nhất cho sự hồi sinh hạt nhân của châu Á, với kế hoạch tăng sản lượng hạt nhân 40% lên 70 gigawatt vào năm 2025.

Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, từ năm 2011 đến năm 2021, quốc gia này đã tăng sản lượng điện hạt nhân khoảng 400%, xây dựng 39 trong số 68 tổ máy điện hạt nhân mới được bổ sung trên khắp thế giới.

Sau một năm đưa ra lệnh cấm đối với các nhà máy điện hạt nhân mới theo sau thảm họa Fukushima, Trung Quốc hiện đang xây dựng hoặc lên kế hoạch xây dựng ít nhất 52 lò phản ứng hạt nhân, nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng lại. Quốc gia này cũng đang đề xuất xây dựng hơn 150 lò phản ứng hạt nhân khác, Hiệp hội Hạt nhân Thế giới cho biết.

Ấn Độ cũng đang tìm cách phát triển 2 dự án điện hạt nhân lớn.

Quốc gia này hiện tạo ra khoảng 70% điện năng sử dụng than và khoảng 3% từ hạt nhân, nhưng Thủ tướng Narendra Modi đang đặt mục tiêu tăng hơn gấp 3 đội tàu hạt nhân trong thập kỷ tới.

Trung Quốc là hi vọng lớn nhất cho sự hồi sinh hạt nhân của châu Á. Ảnh: South China Morning Post

Đông Nam Á

Ngay cả các quốc gia Đông Nam Á cũng đang xem xét sản xuất năng lượng hạt nhân. Tháng trước, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr nói rằng ông sẽ xem xét các nhà máy điện hạt nhân để giảm chi phí điện năng và tăng cường cung cấp năng lượng.

Indonesia có kế hoạch khởi động nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2045, một phần trong mục tiêu đầy tham vọng là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.

Đảo quốc Singapore đầu năm nay cho biết, công nghệ địa nhiệt hoặc hạt nhân thế hệ tiếp theo có thể chiếm 10% tổng năng lượng của nước này vào năm 2050.

Mặc dù các chi tiết còn mơ hồ, đó là sự thay đổi so với một thập kỷ trước, khi quốc gia này kết luận rằng các lò phản ứng thông thường không phù hợp để triển khai ở đây.

“Mỗi quốc gia sử dụng điện hạt nhân với mục đích khác nhau, nhưng hầu hết các nước đều bị thúc đẩy bởi các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, và gần đây là nhu cầu cải thiện an ninh nguồn cung, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch ngày càng đắt đỏ”, Jonathan Cobb, người phát ngôn của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, cho biết.

Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, Al Jazeera)