Sự kiện

Có hay không những "chiêu trò" của Đèo Cả trong vụ hầm Hải Vân sẽ đóng cửa vì thiếu tiền điện?!

Từ cái cớ "cắt điện", "công nhân đình công", cho đến "dọa" bộ GTVT, công ty Đèo Cả còn "nhờ" chính quyền 2 địa phương TT. Huế và TP. Đà Nẵng lên tiếng. Sự việc tưởng chừng như đơn giản nhưng đang ngày một phức tạp và dường như đang được "lái" theo hướng có lợi cho ai đó?!


Như báo điện tử Người Đưa Tin đã phản ánh, mới đây, dư luận xôn xao thông tin công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) có văn bản đề nghị bộ GTVT lên tiếng việc hầm Hải Vân nợ tiền điện nhiều tháng liền, với con số lên đến hàng tỷ đồng.

Ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc công ty Đèo Cả (chủ đầu tư dự án) đã trả lời trên rất nhiều tờ báo rằng, đúng ra theo phương án tài chính được bộ GTVT phê duyệt vào năm 2016 thì công ty được thu phí tại trạm thu phí Nam Hải Vân từ tháng 1/2017 để hoàn vốn cho việc trùng tu vận hành hầm Hải Vân. Ngoài ra, vào tháng 1/2016, Thủ tướng Chính phủ cũng chấp thuận về nguyên tắc việc bố trí trạm Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả.

Vị này cũng nói rằng, sau đó, việc thu phí tại 2 trạm này đều không thực hiện được đã làm giảm nguồn thu rất lớn, gây phá vỡ nghiêm trọng phương án hoàn vốn dự án. Do đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được bộ GTVT giải quyết nên những cảnh báo về nguy cơ gián đoạn hoạt động của các hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân là có cơ sở, vì công ty này không thể đảm bảo được kinh phí vận hành.

Hầm Hải Vân.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, bộ GTVT đã có phương án hỗ trợ bằng tiền ngân sách cho công ty Đèo Cả vì không thể lập trạm thu phí (lý do không thể lập 2 trạm thu phí như Báo đã nêu ở bài viết "Vụ hầm Hải Vân có nguy cơ đóng cửa vì thiếu tiền điện: "Chiêu trò" của nhà đầu tư?"-PV). Như vậy, rõ ràng, bộ GTVT đã có những hành động cụ thể liên quan đến các khó khăn vướng mắc của công ty Đèo Cả.

Trước đó, công ty Điện lực TP.Đà Nẵng cũng khẳng định với PV báo điện tử Người Đưa Tin rằng, đơn vị không đưa thông tin hầm Hải Vân nợ tiền điện ra dư luận và thậm chí, điện lực cho rằng, dù hầm Hải Vân có nợ nhiều hơn nữa cũng không thể cắt điện công trình này, bởi đây là tuyến giao thông huyết mạch vô cùng quan trọng.

Điện lực TP. Đà Nẵng còn nhận định rằng, việc tung tin "sẽ cắt điện" một cách sai sự thật khiến dư luân xôn xao, hoang mang như vậy là một động thái có chủ ý?!

Trong khi đó, công ty Đèo Cả thì nằng nặc "la làng" rằng, nếu không sớm có kinh phí thì công ty này không thể đảm bảo vận hành hầm Hải Vân. Thậm chí, ngoài việc cho rằng "sẽ bị cắt điện", thì công ty Đèo Cả còn cho biết "người lao động sẽ đình công...". Từ thực tế này, dư luận có quyền đặt ra nghi vấn, ai đã tung "hỏa mù" điện lực sẽ cắt điện khiến hầm Hải Vân phải đóng cửa? Ai sẽ được lợi từ việc này? Và phải chăng, loạt thông tin trên là "chiêu trò" của chính công ty Đèo Cả nhằm gây sức ép lên bộ GTVT?

Những nghi ngờ này của dư luận hoàn toàn có cơ sở. Thực tế, ngày 18/10/2018, công ty Đèo Cả đã có 1 công văn gửi bộ GTVT đề nghị bố trí kinh phí đảm bảo công tác quản lý vận hành và bảo dưỡng thường xuyên hầm Hải Vân 1 và tuyến đường QL1A qua đèo Hải Vân. 

“Trường hợp bộ GTVT không đảm bảo được nguồn kinh phí, để xảy ra việc cắt điện, công nhân vận hành đình công, nhà thầu dừng thực hiện công tác quản lý vận hành…dẫn đến gián đoạn và không đảm bảo an toàn của việc lưu thông qua hầm Hải Vân 1 từ thời điểm sau ngày 5/11/2018 trở đi, bộ GTVT hoàn toàn chịu trách nhiệm”, văn bản ghi rõ.

Chưa hết, công ty này còn "dọa" bộ GTVT rằng, nếu không sớm bố trí vốn sẽ "trả" lại hầm hay sẽ khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền (?!)

Thực tế, không chỉ "dọa" bộ GTVT, dư luận cho rằng, công ty Đèo Cả đang dùng những "chiêu trò" bằng việc thúc giục cả đơn vị như Điện lực Đà Nẵng, UBND TP. Đà Nẵng, UBND tỉnh TT.Huế nhằm tác động lên Bộ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những băn khoăn này của dư luận cũng hoàn toàn chính đáng. Bởi, chỉ trong 1 ngày (26/10/2018), công ty Đèo Cả đã ban hành 2 công văn ghi số lần lượt là 1276/2018-DC, 1277/2018-DC gửi UBND tỉnh TT.Huế và UBND TP.Đà Nẵng. Cả 2 công văn này do Phó Tổng Giám đốc công ty Đèo Cả Lưu Xuân Thủy ký.

Na ná những văn bản tương tự trong vụ việc, nội dung 2 văn bản này của công ty Đèo Cả đã đề nghị UBND TP. Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế "hỗ trợ" có ý kiến với bộ GTVT về việc bố trí vốn đảm bảo kinh phí, để duy trì liên tục công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 và tuyến đường QL1A qua đèo Hải Vân.

Công ty Đèo Cả cũng không quên "vẽ" ra viễn cảnh nhằm "cảnh báo" với chính quyền 2 địa phương theo kiểu, trong trường hợp vì các lý do như "bị cắt điện", "người lao động đình công"… làm gián đoạn việc quản lý vận hành hầm Hải Vân 1, mất an toàn giao thông thì chính quyền 2 địa phương phải phối hợp và hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh đảm bảo công tác điều tiết giao thông trong hầm an toàn, thông suốt.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc!