Thế giới

Có gì trong Chiến lược An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden?

Chiến lược này tập trung vào cạnh tranh với Trung Quốc - đối thủ toàn cầu gần như ngang hàng duy nhất của Mỹ, đồng thời khẳng định sự cần thiết phải chú ý đến Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 12/10 đã công bố bản Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) bị quá hạn từ lâu của mình, vốn ban đầu dự kiến phát hành vào cuối năm ngoái, nhưng đã bị trì hoãn do xung đột Nga-Ukraine bùng phát.

Nhà lãnh đạo Mỹ thừa nhận rằng một sự thay đổi lớn trong chính trị toàn cầu đã diễn ra, với việc trật tự đã được duy trì trong 3 thập kỷ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh “chắc chắn đã kết thúc” và nhấn mạnh rằng một thời kỳ mới của “sự cạnh tranh đang diễn ra giữa các cường quốc để định hình điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”.

Bản báo cáo về các ưu tiên chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ tập trung vào cạnh tranh với Trung Quốc - đối thủ toàn cầu gần như ngang hàng duy nhất của Mỹ, đồng thời khẳng định sự cần thiết phải chú ý đến Nga.

Tập tài liệu 48 trang cũng đề cập đến cuộc chiến kéo dài gần 8 tháng của Nga ở Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng “những lời đe dọa hạt nhân của Tổng thống Nga Vladimir Putin đang gây nguy hiểm cho cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu”.

Ngoài ra, NSS còn xác định các lĩnh vực Mỹ cần tăng cường hợp tác quốc tế, bao gồm cả với các đối thủ cạnh tranh của nước này.

Trung Quốc và Nga

Coi Trung Quốc là “thách thức địa chính trị” lớn nhất, NSS khẳng định rằng Mỹ đang “ở giữa một cuộc cạnh tranh chiến lược để định hình tương lai của trật tự quốc tế”.

NSS cho rằng Bắc Kinh đang có kế hoạch mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình ở Châu Á-Thái Bình Dương và trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trò chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh SCO ở Samarkand, Uzbekistan, ngày 16/9/2022. Ảnh: Malay Mail

Quan hệ Mỹ-Trung đã rơi xuống mức thấp mới sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi tháng 8. Đảo Đài Loan luôn là “vấn đề cộm nhất” trong quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Washington.

Hai nước cũng xung đột về thương mại. NSS cho biết, Mỹ sẽ đầu tư để tăng cường “đổi mới” trong nước trong khi hợp tác với các đồng minh vì “mục tiêu chung” để cạnh tranh “có trách nhiệm” với Trung Quốc.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, DC đã không trả lời ngay yêu cầu bình luận của Đài Al Jazeera.

Cho rằng cuộc chiến của Moscow ở Ukraine “đã phá vỡ hòa bình ở châu Âu và ảnh hưởng đến sự ổn định ở mọi nơi”, NSS nhấn mạnh rằng Mỹ và các đồng minh đang hỗ trợ quân sự cho Kiev, cam kết sẽ tiếp tục sát cánh với người dân Ukraine trong cuộc chiến chống lại sự gây hấn của Nga, và tăng cường phòng thủ ở các nước NATO láng giềng với Nga, đồng thời áp trừng phạt lên Moscow về cuộc xung đột.

Cuộc xung đột là một “tính toán sai lầm chiến lược” đối với Nga, bản báo cáo của Nhà Trắng đánh giá, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ “không cho phép Nga, hoặc bất kỳ cường quốc nào, đạt được các mục tiêu của mình thông qua việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Iran và Israel

Ngoài Trung Quốc và Nga, NSS cũng nhắc đến Iran. Bản báo cáo cho biết, Mỹ sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao để đảm bảo rằng Iran không bao giờ có được vũ khí hạt nhân, đề cập đến nỗ lực khôi phục thỏa thuận đa phương năm 2015 (JCPOA) đã chứng kiến Tehran thu hẹp chương trình hạt nhân để đổi lấy sự nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Trong báo cáo, chính quyền ông Biden cho biết Mỹ “sẵn sàng sử dụng các biện pháp khác” để chống lại Iran nếu ngoại giao thất bại.

“Ở Trung Đông, chúng tôi đã làm việc để tăng cường khả năng răn đe đối với Iran, giảm leo thang xung đột khu vực, tăng cường hội nhập giữa một loạt các đối tác trong khu vực và củng cố sự ổn định năng lượng”, NSS cho biết.

Tổng thống Israel Isaac Herzog (trái) và Thủ tướng Isarel Yair Lapid (phải) tháp tùng Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay sau khi ông xuống máy bay, bắt đầu chuyến thăm Israel, ngày 13/7/2022. Ảnh: Jerusalem Post

Ngoài ra, trong ưu tiên ngoại giao ở Trung Đông, Mỹ cũng tái khẳng định cam kết của mình đối với an ninh của Israel và liên minh mới nổi giữa Israel và các nước Ả Rập - cụ thể là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

“Chúng tôi sẽ tìm cách mở rộng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ ngày càng tăng của Israel với các nước láng giềng và các quốc gia Ả Rập khác, bao gồm cả thông qua Hiệp định Abraham, trong khi vẫn duy trì cam kết chặt chẽ của chúng tôi đối với an ninh của nước này”, NSS cho biết.

Ông Biden đã hứa tăng cường hỗ trợ quân sự và ngoại giao vô điều kiện đối với Israel, nhưng cũng tái khẳng định cam kết của Washington đối với giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine.

Hợp tác toàn cầu

NSS cho biết, bất chấp sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các quốc gia, Mỹ “phải duy trì và tăng cường hợp tác quốc tế về những thách thức chung”.

Trong một bài phát biểu thảo luận về NSS hôm 12/10, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, “Những thách thức xuyên quốc gia, không phân biệt biên giới hay hệ tư tưởng - bao gồm biến đổi khí hậu, dịch bệnh và mất an ninh lương thực - là một thách thức chiến lược lớn đối với Washington.

“Chiến lược của chúng ta để giải quyết những thách thức chung đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu bao gồm hai hướng đồng thời: Thứ nhất, chúng ta sẽ thu hút đầy đủ tất cả các quốc gia và thể chế để hợp tác giải quyết các mối đe dọa chung, bao gồm cả việc thúc đẩy cải cách trong đó các phản ứng thể chế đã được chứng minh là không đủ”, NSS cho biết. “Thứ hai, chúng ta cũng sẽ nỗ lực gấp đôi để tăng cường hợp tác với các đối tác cùng chí hướng”.

Báo cáo mô tả cuộc khủng hoảng khí hậu là “thách thức tồn tại của thời đại chúng ta” nêu bật những nỗ lực của Mỹ nhằm đáp ứng các mục tiêu khí hậu trong nước đồng thời làm việc thông qua các thể chế và thỏa thuận quốc tế nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính làm trái đất nóng lên.

Minh Đức (Theo Al Jazeera, Anadolu Agency)