Cuộc sống số

Có gì bên trong căn phòng "tra tấn" máy bay của không quân Mỹ?

Để kiểm tra độ bền của những vũ khí và khí tài, không quân Mỹ tạo ra những điều kiện thời tiết khắc nghiệt của môi trường ngay tại phòng thí nghiệm khí hậu McKinley ở Florida.

Phòng thí nghiệm khí hậu McKinley tại căn cứ không quân Eglin, bang Florida. Được xây dựng từ năm 1947, đây là cơ sở thử nghiệm thời tiết trong nhà lớn nhất thế giới. Tại đây quân đội Mỹcó thể mô phỏng tất cả điều kiện môi trường từ nóng ẩm, bão cát, cho tới khô lạnh nhằm thử nghiệm khả năng làm việc thực tế của máy bay hay các thiết bị quân sự khác.

Bên trong cơ sở này có 6 căn phòng cách nhiệt khổng lồ được sử dụng cho các mục đích khác nhau như bão băng, mưa lớn, bão cát với tốc độ 64km/h, nhiệt độ 165ºC... Trong gần 70 năm qua, trung tâm này đã tiến hành thử nghiệm 300 máy bay khác nhau từ B-29 cho tới F-22, cùng 2000 linh kiện, thiết bị quân sự, khí tài khác.

Bắt đầu từ năm 1997, Mỹ chấp nhận cho quân đội nước ngoài hay các công ty tư nhân thuê trung tâm để thử nghiệm các sản phẩm của họ. Ví dụ: Máy bay Boeing 787 Dreamliner và Airbus A350 đều đã trải qua các màn tra tấn tại đây. Việc cho các công ty tư nhân thuê giúp trang trải chi phí duy trì phòng thử nghiệm.

Theo các kỹ sư tại phòng thử nghiệm McKinley, đối với những máy bay công suất lớn, luồng khí hút vào và xả ra từ động cơ là rất lớn, nên cần có sự điều chỉnh phù hợp nếu không nó sẽ thổi bay cả tường bao quanh.

Phòng thí nghiệm lớn nhất tại đây có diện tích lên tới 5.100m2, cao 21m, có thể chứa các loại máy bay lớn như B-29. Phòng đa thời tiết nhỏ hơn có kích thước 13x7m, có thể mô phỏng chính xác tuyết và băng giá, điều kiện lượng mưa lên tới 380mm mỗi giờ và tốc độ gió 31m/s, phạm vi nhiệt độ từ -62ºC tới 77ºC. Mọi sự thay đổi điều kiện trong phòng thí nghiệm đều được các kỹ sư điều chỉnh bằng tay chứ không có hệ thống tự động nào.

Mỗi ngày thử nghiệm tại McKinley có chi phí khoảng 25.000 USD, tuy nhiên, đây được cho là số tiền quá nhỏ so với việc phải đưa máy bay đi đến từng địa điểm thực địa để thử nghiệm khả năng hoạt động.

Thế Hiệp (Tổng Hợp)