Quan điểm

Cô gái tự nguyện nộp 23 tỉ đồng thuế và nỗi nhục của kẻ trốn thuế

Cô gái thu nhập 330 tỉ đồng/năm được dư luận khâm phục và hứng khởi. Và điều này không chỉ từ thu nhập cao mà là hành động đẹp: Tự nguyện đóng thuế.

Thông tin một cô gái sinh năm 1992 tại Hà Nội có thu nhập năm 2020 hơn 330 tỉ đồng đến chi cục Thuế quận Cầu Giấy, Hà Nội nộp các nghĩa vụ thuế hơn 23 tỉ đồng mới đây khiến dư luận không khỏi thán phục. Giữa một năm kinh tế thế giới suy giảm thê thảm, tình trạng phá sản tràn lan, việc một cô gái trẻ đến từ một quốc gia chưa có tiếng trong bản đồ công nghệ có được thu nhập triệu USD như vậy quả thực quá ư đáng ngưỡng mộ.       

Đáng ngợi ca hơn nữa, đó là việc chính cô gái ấy đã tự nguyện đến kê khai và nộp thuế. Nghĩa vụ nộp thuế là bắt buộc với mọi người dân. Tuy nhiên trong bối cảnh nạn trốn thuế, đặc biệt là thuế thu nhập từ online diễn ra tràn lan khiến các cơ quan chức năng đau đầu tìm cách truy thu, hành động tuân thủ luật pháp của cô gái thực sự có sức lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ.  

Cô gái 28 tuổi có được nguồn thu khổng lồ từ việc sáng tác phần mềm đăng tải trên Google Play. Ảnh minh họa 

Nếu như cô gái 28 tuổi này có được nguồn thu khổng lồ từ việc sáng tác phần mềm đăng tải trên Google Play và App Store thì một người nam giới 30 tuổi cũng tại Quận Cầu Giấy hiện cũng có thu nhập 260 tỷ đồng/năm nhờ viết và đăng tải các phần mềm lên mạng, người này hiện nộp thuế hơn 18 tỷ đồng. Năm 2020, Cục thuế Quận Cầu giấy đã có 65 cá nhân kinh doanh online kê khai và nộp thuế tới 55 tỷ đồng.

Cô gái cũng như những tấm gương trẻ tuổi kiếm hàng trăm tỉ mỗi năm và trở thành triệu phú USD bằng chân tài thực học và thực hiện nghĩa vụ công dân thực đáng trân trọng, đáng quý. Họ như những vì sao lấp lánh truyền cảm hứng sống tươi đẹp cho xã hội, cộng đồng.

Trong khi đó, ở bên kia địa cầu, dư luận vẫn chưa thôi bất ngờ khi vài tháng trước vụ án trốn thuế thu nhập lớn nhất lịch sử Mỹ được phanh phui mà kẻ trốn thuế không ai khác lại chính là ông trùm công nghệ tiếng tăm Texas Robert T. Brockman. Nhân vật này đã bị buộc tội trốn đóng thuế với mức thu nhập 2 tỷ USD.

Trong cáo trạng, ông Brockman, Giám đốc điều hành và Chủ tịch của công ty phần mềm Reynolds & Reynolds, bị buộc tội trốn thuế, lừa đảo, rửa tiền và các tội khác trong kế hoạch kéo dài gần 20 năm nhằm giấu khoản thu nhập 2 tỷ USD khỏi Cơ quan Thuế vụ (IRS). Ông Brockman cũng bị buộc tội lừa đảo các nhà đầu tư để chiếm đoạt chứng khoán nợ của công ty ông, theo chính quyền liên bang.

Ông Brockman bị cáo buộc điều hành một mạng lưới phức tạp gồm các công ty và tài khoản ngân hàng nước ngoài; sử dụng thu nhập từ việc trốn thuế để mua du thuyền; tạo một hệ thống email được mã hóa để giao tiếp với nhân viên bằng tên giả; yêu cầu nhà quản lý tiền tham dự "hội nghị rửa tiền" dưới danh tính giả; và thuyết phục chính nhà quản lý tiền đó tiêu hủy tài liệu và tài liệu điện tử.

Dẫu vậy, ở một quốc gia rộng lớn như Mỹ, những trường hợp trốn thuế như ông Brockman không phải cá biệt. Hằng năm nền kinh tế Mỹ bị thất thu thuế từ các hoạt động kinh doanh trên mạng lên đến con số kỷ lục, hàng chục tỉ USD Mỹ.

Trong mọi nền kinh tế, nộp thuế luôn là nghĩa vụ với mọi người dân. Tự nguyện đóng thuế là thước đo giá trị mỗi người.