Góc nhìn luật gia

Cô gái livestream khoe chiêu trốn cách ly Covid-19 sẽ bị xử phạt thế nào?

Một nữ hành khách trở về Việt Nam từ Daegu (Hàn Quốc) đã livestream trên mạng xã hội bày cách "trốn" cách ly Covid-19 khiến dư luận hết sức bất bình. Hành vi của nữ hành khách này bị xử lý thế nào?

Liên quan đến thông tin, ngày 25/2, một nữ hành khách trở về Việt Nam từ Daegu (Hàn Quốc) đã livestream trên mạng xã hội bày cách "trốn" cách ly.

Theo đó, nữ hành khách đã livestream chia sẻ, khi nhập cảnh vào sân bay Tân Sơn Nhất khai điểm xuất phát hành trình của mình là Busan mà không phải là Daegu. Nhờ hành vi “gian dối” này cô đã được phép nhập cảnh.

Nữ hành khách livestream trên mạng bày cách trốn cách ly khiến cộng đồng mạng bức xúc. 

Tuy nhiên, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, N.T.T. sống tại Daegu, đã đi qua thành phố Busan để đáp máy bay đi TP.HCM. Chiều 26/2, N.T. T. đã bị sở Y tế Bình Dương buộc phải cách ly tập trung.

Hành động của nữ hành khách này đã vấp phải sự chỉ trích rất gay gắt từ cộng đồng mạng, thậm chí còn cho rằng cô gái này có ý thức quá kém vì có thể gây lây lan dịch bệnh nếu nhiễm Covid-19.

Trước hành vi livestream trên mạng khoe chiêu trốn cách ly của nữ hành khách này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi nhanh với luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc công ty luật TNHH LSX - đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Thưa luật sư Lực, việc nữ hành khách này trốn cách ly sẽ bị xử phạt ra sao?

Đây được xác định là hành vi “Che giấu hoặc xóa bỏ hiện trạng phải kiểm dịch y tế”. Vi phạm quy định về kiểm dịch y tế biên giới theo điều 12 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.  Với hành vi này mức phạt tiền do vi phạm hành chính tối đa lên đến 10.000.000 đồng.

Hoặc cũng có thể xác định cô gái trên có hành vi: Không thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, xử lý y tế đối với người, phương tiện vận tải, hàng hóa mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; với mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Luật sư Lực cho rằng hành vi của nữ hành khách là “Che giấu hoặc xóa bỏ hiện trạng phải kiểm dịch y tế”.

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải xử lý thật nặng vì ý thức kém, luật sư nghĩ sao?

Cô gái này phải bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, xử lý y tế.

Về mặt đạo đức, ý thức xã hội, vì cộng đồng,  ông đánh giá thế nào về hành vi khai gian dối để né tránh cách ly phòng dịch Covid- 19?

Hiện nay, việc khai báo thông tin phòng ngừa dịch bệnh chủ yếu dựa trên sự tự nguyện và ý thức của từng cá nhân. Do vậy, bên cạnh chế tài xử phạt nghiêm khắc các cá nhân có hành vi gian dối trong khai báo, trốn tránh thực hiện cách ly phòng bệnh thì cần tuyên truyền sâu rộng nâng cao ý thức vì cộng đồng của mỗi cá nhân trong xã hội.

Phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất khi có sự tự nguyện, khai báo trung thực của cá nhân có dấu hiệu nhiễm bệnh.

Xin cảm ơn luật sư!

 

Cá nhân khai man tờ khai y tế sẽ bị cưỡng chế cách ly

Liên quan đến trường hợp trốn khai báo, khai báo y tế không trung thực như trường hợp của nữ hành khách nêu trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, Chuyên gia cao cấp của Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp (bộ Y tế) cho biết đã có quy định về xử phạt hành vi “lách” khai báo y tế và cưỡng chế cách ly.

Liên quan đến thắc mắc làm sao để phát hiện và xử lý thế nào với người khai không trung thực giống như trường hợp của nữ hành khách bày chiêu trốn.

PGS. TS Trần Đắc Phu cho hay, Chính Phủ đã giao bộ Công an (cụ thể lực lượng xuất nhập cảnh) cùng phối hợp với một số bộ ngành như bộ LĐ-TB&XH… để phát hiện.

Ông Phu khẳng định, cá nhân bị phát hiện hành vi khai man tờ khai y tế sẽ phải thực hiện cưỡng chế cách ly. Cùng với đó, sẽ phải chịu xử phạt về việc khai báo dịch bệnh truyền nhiễm (quy định trong Luật Truyền nhiễm, Nghị định 176 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).

Theo đó, Điều 12, NĐ 176 Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định rõ, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi này. Người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì tại Điều 10 quy định sẽ phạt tiền từ 2.000.000 – 5.000.000 đồng đối với hành vi nêu trên.