Góc nhìn luật gia

Có được tách hạng giấy phép lái xe đã tích hợp không?

Người đã có giấy phép lái xe tích hợp của giấy phép lái xe có thời hạn và không thời hạn, nếu có nhu cầu tách giấy phép lái xe thì làm thủ tục tách giấy phép lái xe theo quy định.

Giấy phép lái xe tích hợp.

Tại khoản 3, Điều 33 Thông tư số 12/2017/TT–BGTVT quy định, người đã có giấy phép lái xe tích hợp của giấy phép lái xe có thời hạn và không thời hạn, nếu có nhu cầu tách giấy phép lái xe thì làm thủ tục tách giấy phép lái xe theo quy định tại Điều 38 của Thông tư này.

Như vậy, chỉ có thể tách thành 2 giấy phép lái xe (Giấy phép lái xe có thời hạn và Giấy phép lái xe không có thời hạn) mà không thể tách rời từng loại giấy phép riêng biệt.

Thủ tục tách giấy phép lái xe

Căn cứ Điều 38 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT, thủ tục tách hạng giấy phép lái xe đã tích hợp thực hiện như sau:

Hồ sơ bao gồm:

1. Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT.

2. Bản sao giấy phép lái xe, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân.

Nơi nộp hồ sơ:

Người lái xe gửi trực tiếp hoặc bằng hình thức kê khai trực tuyến đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải.

Khi đến thực hiện thủ tục tách giấy phép lái xe, người lái xe phải chụp ảnh trực tiếp tại cơ quan cấp giấy phép lái xe và phải xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu.

Lệ phí cấp đổi giấy phép lái xe là 135.000 đồng/lần (theo Thông tư số 188/2016/TT-BTC ngày 08 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).

Tạm giữ bằng lái tích hợp, có được lái xe không?

Theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, trong trường hợp điều khiển một trong hai loại phương tiện và vi phạm hành chính mà bị tước Giấy phép lái xe thì vẫn có thể điều khiển loại phương tiện còn lại theo Giấy phép.

Khoản 2 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm 2012 quy định khi lập biên bản vi phạm hành chính Cảnh sát giao thông sẽ ghi rõ:

- Ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản

- Họ, tên, chức vụ người lập biên bản

- Họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm

- Giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm

- Hành vi vi phạm

- Biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý…

Như vậy, Cảnh sát giao thông sẽ ghi rõ vào biên bản loại Giấy phép lái xe bị tạm giữ, có phải là loại Giấy phép lái xe tích hợp hay không.

Người vi phạm sau đó vẫn có thể điều khiển loại phương tiện lại trong Giấy phép lái xe đã bị tạm giữ và phải mang theo biên bản xử phạt vi phạm hành chính để xuất trình trong trường có yêu cầu kiểm tra.

Hoàng Mai