Chính sách

Có được đóng thêm BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu mức tối đa không?

Để hưởng lương hưu, người lao động phải có ít nhất 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ mới được hưởng lương hưu. Vậy trường hợp người đủ điện kiện hưởng lương hưu muốn đóng BHXH tự nguyện để hưởng tỷ lệ lương hưu tối đa 75% có được không?

Có được đóng thêm BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu mức tối đa không? (Ảnh minh họa)

Có được đóng thêm BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu mức 75% ?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội, nếu làm việc trong điều kiện bình thường thì khi nghỉ hưu, người lao động phải có ít nhất 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ mới được hưởng lương hưu.

Với những công việc đặc thù khác thì điều kiện về số năm đóng BHXH vẫn không thay đổi (20 năm), tuy nhiên có sự ưu tiên về tuổi nghỉ hưu của người lao động, như:

- Nam đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

- Từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm khai thác than trong hầm lò.

- Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

- Đối với lực lượng quân nhân, công an nhân dân thì độ tuổi nghỉ hưu được giảm xuống so với độ tuổi nêu trên:

+ Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi.

+ Nam đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, nữ đủ 45 tuổi đến đủ 50 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

Riêng lao động nữ hoạt động ở xã, phường, thị trấn có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi sẽ được hưởng lương hưu.

Khoản 2, điều 56 Luật BHXH 2014 quy định, nếu nghỉ hưu vào năm 2020, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH, trong đó lao động nam được tính là 18 năm và lao động nữ được tính là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2% đến mức tối đa bằng 75%.

Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi thì cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi giảm 2%. Nếu tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỉ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

Theo quy định ở trên, để được hưởng mức lương hưu hàng tháng bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH thì người lao động nam phải có 33 năm đóng BHXH và lao động nữ là 30 năm đóng BHXH.

Điểm e, khoản 1, Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 quy định cho những trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Theo điểm c, khoản 1, Điều 5 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/2/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định, mà vẫn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày 1 tháng liền kề tháng dừng đóng BHXH tự nguyện và yêu cầu hưởng lương hưu.

Như vậy, nếu không tham gia BHXH bắt buộc thì người dân có thể tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để tăng tỷ lệ lương hưu tối đa 75%.

Cách đóng BHXH tự nguyện

Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015 của Chính phủ thì người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong 5 phương thức đóng như sau để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thứ nhất, đóng hàng tháng: Mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Thứ hai, đóng 3 tháng một lần: Mức đóng được xác định bằng mức đóng hàng tháng nhân với 3.

Thứ ba, đóng 6 tháng một lần: Mức đóng được xác định bằng mức đóng hàng tháng nhân với 6.

Thứ tư, đóng 12 tháng một lần: Mức đóng được xác định bằng mức đóng hàng tháng nhân với 12.

Thứ năm, đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần: Mức đóng được tính bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng, do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

Mức đóng được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng, do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

Trong trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng từ 3 tháng trở lên nhưng thời gian sau đó dừng tham gia BHXH tự nguyện và chuyển sang tham gia BHXH bắt buộc, hưởng BHXH một lần hay bị chết hoặc Tòa án tuyên bố là đã chết sẽ được hoàn trả một phần số tiền đã đóng trước đó.

Số tiền hoàn trả cho người tham gia BHXH tự nguyện hoặc hoàn trả cho thân nhân người lao động được tính bằng số tiền đã đóng tương ứng với thời gian còn lại so với thời gian đóng theo phương thức đóng nêu trên và không bao gồm tiền hỗ trợ đóng của Nhà nước (nếu có).

Hoàng Mai