Chính sách

Có được đăng ký kết hôn tại nơi tạm trú?

Sống và làm việc xa quê khiến nhiều người không thể về đăng ký kết hôn tại nơi mình có hộ khẩu hay còn gọi là nơi thường trú, từ đó có nhiều câu hỏi được đặt ra như có thể đăng ký kết hôn tại nơi tạm trú được không và trình tự thủ tục được thực hiện như thế nào?

Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Theo quy định tại Điều 7 Luật Hộ tịch, cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn là UBND cấp xã, trừ trường hợp có yếu tố nước ngoài thì UBND cấp huyện sẽ thực hiện việc đăng ký kết hôn.

Cụ thể hơn về thẩm quyền đăng ký kết hôn, Khoản 1 Điều 17 Luật Hộ tịch quy định, UBND cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.

Nơi cư trú được giải thích cụ thể ở Luật Cư trú hiện hành là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú. Như vậy, nơi tạm trú cũng được xem là nơi cư trú của công dân và công dân có thể lên cơ quan có thẩm quyền ở nơi tạm trú để thực hiện các thủ tục về hộ tịch.

Theo căn cứ nêu trên, việc đăng ký kết hôn hoàn toàn có thể tiến hành ở nơi đăng ký tạm trú của một trong hai bên nam, nữ.

Đăng ký kết hôn, dù được thực hiện ở nơi đăng ký thường trú hay nơi đăng ký tạm trú thì cũng đều phải được thực hiện theo trình tự thủ tục nhất định theo quy định của pháp luật.

Khoản 1 Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, nếu hai bạn đăng ký kết hôn tại nơi tạm trú, phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND dân cấp xã có thẩm quyền cấp.

Ngoài ra, việc kết hôn phải hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện, việc cản trở kết hôn là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Hoàng Mai