Tài chính - Ngân hàng

Cổ đông tham dự họp đạt kỷ lục, Eximbank vẫn hoãn ĐHĐCĐ lần 2

ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Eximbank diễn ra vào sáng 21/6. Tuy nhiên, HĐQT Eximbank đã quyết định dừng Đại hội và tổ chức lại trong thời gian tới vì những tranh cãi gay gắt giữa các nhóm cổ đông.

Trước đó, Đại hội lần đầu vào ngày 26/4 đã không thành công khi không đủ số lượng cổ đông tham dự. Đại hội lần 2 dự kiến tổ chức ngày 25/5 cũng phải hoãn lại. Tại Đại hội hôm nay ngày 21/6, chỉ cần có số cổ đông sở hữu tối thiểu 51% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự là đủ điều kiện tiến hành.

Đến hơn 9h ngày 21/6, Trưởng BKS Trần Ngọc Dũng cho biết có 199 cổ đông đại diện cho 93,88% cổ phần có quyền biểu quyết, lớn hơn 51% theo quy định. ĐHĐCĐ đủ điều kiện tiến hành. Những tưởng sau khi ghế nóng Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc gần như đã an bài, nội bộ Eximbank đã "yên" để đại hội cổ đông được diễn ra suôn sẻ, nhưng thực tế diễn ra khiến không mấy người hài lòng.

Hôm nay, Eximbank dự kiến sửa đổi nhiều nội dung trong Điều lệ, như Bổ sung Điều 2 là Người đại diện theo pháp luật ngoài Tổng giám đốc còn có thể là Chủ tịch HĐQT; Sửa đổi Điều 33, giảm tỷ lệ cổ phần đủ điều kiện tiến hành ĐHĐCĐ từ 65% xuống 51%; Quy định lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản có thể được thông qua với 51% cổ phần đồng ý, so với tỷ lệ 65% trước đó.

ĐHCĐ Eximbank lần thứ 2 ngày 21/6 bị tạm hoãn, lùi ngày tổ chức dù số cổ đông tham dự đạt kỷ lục, gần 94%

Ban Chủ toạ Đại hội gồm Chủ tịch HĐQT Cao Xuân Ninh, quyền TGĐ Nguyễn Cảnh Vinh và Trưởng BKS Trần Ngọc Dũng.

Ngay trước khi đại hội được tiến hành, những tranh cãi liên quan đến tính pháp lý của cuộc họp HĐQT diễn ra ngày 15/5 (khi ông Lê Minh Quốc lấy tư cách Chủ tịch HĐQT ký Nghị quyết 231 chấm dứt nghị quyết 112 bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch) và cuộc họp ngày 20/5 (bầu ông Cao Xuân Ninh làm Chủ tịch và bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh làm quyền TGĐ) tiếp tục làm nóng hội trường. 

Chưa kể, đại diện cổ đông Nhật SMBC vốn khá kiệm lời từ trước đến nay cũng lớn tiếng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của HĐQT vì sao nhiều đề xuất, yêu cầu của nhà đầu tư Nhật không được xử lý, đồng thời bày tỏ lo ngại về tính pháp lý của Ban Chủ toạ Đại hội.

Phản hồi các ý kiến trên, Chủ tịch HĐQT Cao Xuân Ninh khẳng định việc bầu mới Chủ tịch HĐQT, quyền TGĐ là hoàn toàn hợp lệ, hợp pháp và đã báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước. Ông Ninh yêu cầu giữ trật tự để Đại hội tiếp tục.

Tuy nhiên, đến khi thực hiện kiểm phiếu thông qua Quy chế tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên. Kết quả kiểm phiếu thể hiện có 39,85% cổ phần đồng ý, 55,09% không đồng ý, 5,06% không có ý kiến.

Đại diện SMBC cho rằng tỷ lệ không đồng ý thông qua quy chế cho thấy Đại hội không có sự tin tưởng với chủ toạ đoàn, do vậy cần thiết bầu lại chủ toạ cuộc họp và vị trí này nên để Phó Chủ tịch HĐQT đảm trách.

Cổ đông Nhật cũng yêu cầu Chủ tịch HĐQT phải tôn trọng quyền của cổ đông, ví dụ cho cổ đông kiến nghị chương trình Đại hội. Bản thân SMBC đã kiến nghị 3 lần nhưng chưa lần nào được chấp thuận.

SMBC khẳng định không thông qua quy chế Đại hội do không tin tưởng Ban Chủ toạ cũng như Ban Kiểm phiếu.

Do có tới 55,09% cổ đông sở hữu cổ phần không thông qua Quy chế họp nên HĐQT đã quyết định hoãn ĐHĐCĐ thường niên lần 2 và sẽ tổ chức lại trong thời gian tới.

Mộc Miên