Tài chính - Ngân hàng

Cổ đông Masan Group sắp "nhận quà" 300 tỷ đồng bằng tiền mặt

Dự kiến cuối tháng 12, cổ đông Masan Group sẽ nhận phần cổ tức 250 đồng/cp đợt 2, nâng tỉ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2021 lên 12%.

Ngày 3/12, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) thông báo tăng cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2021 là 12% tức 1.200 đồng/cp (mỗi cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng được nhận cổ tức 1.200 đồng), tương ứng với mức tăng thêm 200 đồng/cp.

Trước đó, ngày 16/7, Masan đã chi trả cổ tức 950 đồng/cp. Dự kiến cuối tháng 12 này, cổ đông của tập đoàn này sẽ nhận phần cổ tức 250 đồng/cp còn lại.

Cùng với việc tăng tỉ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt, HĐQT Masan cũng đã thông qua việc xin ý kiến Đại hội đồng Cổ đông về việc phát hành cổ phiếu thưởng theo tỉ lệ 5:1 cho các cổ đông hiện hữu tính tại ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ phiếu thưởng.

Việc tăng cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng là một phần trong kế hoạch của Ban lãnh đạo Masan nhằm gia tăng giá trị cho cổ đông, đồng thời hướng đến hoàn thành mục tiêu trung hạn của bảng cân đối kế toán. 

Cuối năm nay, Masan và Masan Horizon dự kiến sẽ nhận cổ tức tiền mặt 1.406 tỷ đồng từ công ty thành viên Masan MEATLife. Đây là một phần trong sáng kiến ngân quỹ nhằm phân bổ thặng dư từ công ty thành viên lên cấp Tập đoàn. 

Mức cổ tức 250 đồng/cp sẽ tương ứng với 295 tỷ đồng tiền mặt và đợt phát hành cổ phiếu thưởng sẽ làm tăng khối lượng cổ phiếu lưu hành của Masan thêm 236.106.938 cổ phiếu. Tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành của Masan sẽ là 1.416.641.630 cổ phiếu. 

Việc thực thi các kế hoạch trên phụ thuộc vào các phê duyệt phù hợp theo điều lệ của doanh nghiệp và quy định pháp luật hiện hành. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Masan ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất hơn 64.800 tỷ đồng (2,85 tỷ USD), tăng trưởng gần 17%. Đà tăng ở tất cả mảng kinh doanh chính, trong đó Masan High-Tech Materials (MHT) tăng nhanh nhất với hơn 89%.

Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông đạt mức 2.126 tỷ đồng, tăng đến 120% so với cùng kỳ năm trước. 

Mô hình “Kiosk Phúc Long” trên nền tảng cửa hàng VinMart+.

Điều đáng chú ý là nền tảng bán lẻ WinCommerce (sở hữu Winmart và Winmart+) có doanh thu thuần tăng 1,3% đạt gần 24.000 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm, mặc dù số điểm bán lẻ ít hơn gần 200 cửa hàng so với cùng kỳ. Điều này nhờ phân khúc siêu thị mini tăng trưởng mạnh để bù đắp cho ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với phân khúc siêu thị.

Năm 2022, Masan đã có kế hoạch sơ bộ mở rộng quy mô chuỗi WinMart+ thêm từ 700 - 1.000 điểm bán, nâng tổng số siêu thị mini lên 3.300 - 3.600 điểm trước cuối năm 2022. 

Masan cũng có kế hoạch chuyển đổi ít nhất 50% điểm bán WinMart+ thành các cửa hàng theo mô hình mini-mall. Mô hình này hiện tích hợp phục vụ nhu yếu phẩm (WinMart+), trà và café (kiosk Phúc Long), dược phẩm, dịch vụ tài chính (Techcombank) và viễn thông (Reddi).