Góc nhìn luật gia

Cô dâu “ôm” 2 lượng vàng bỏ trốn sau khi cưới 4 ngày có dấu hiệu phạm tội?

Thời gian qua, câu chuyện cô dâu “ôm” 2 lượng vàng sính lễ bỏ đi sau đám cưới 4 ngày đang khiến dư luận xôn xao. Nhiều câu hỏi pháp lý đặt ra xung quanh câu chuyện hy hữu này.

Mang vàng trả lại cho nhà trai

Cặp đôi trong vụ việc gây xôn xao mạng xã hội là anh L.V.Ph., 28 tuổi, ngụ xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân và chị H.T.Tr., 20 tuổi, ngụ huyện Cái Nước, cùng ngụ tỉnh Cà Mau.

Thông qua mai mối, họ quen nhau hơn 1 tháng thì tổ chức đám cưới nhưng chưa đăng ký kết hôn. 

Thế nhưng, sau 4 ngày về nhà chồng, cô dâu “ôm” 2 lượng vàng sính lễ nhà chồng cho bỏ trốn. Gia đình chồng không liên lạc được nên đăng lên mạng xã hội tìm kiếm. Lúc này, cô dâu nhắn tin cho chú rể nói sẽ đi làm kiếm tiền trả lại cho "mẹ chồng".

Nhiều vấn đề pháp lý mà bạn đọc đặt ra trong tình huống hy hữu trong vụ cô dâu "ôm" 2 lượng vàng bỏ trốn sau 4 ngày cưới.

Ít ngày sau đó, gia đình nhà gái mang 1,5 lượng vàng đến nhà trai trả, số vàng còn thiếu, họ xin sẽ gửi trong 2 tháng tới. Tuy nhiên, nhà trai không đồng ý, yêu cầu phải trả trong thời hạn 1 tháng.

Sau khi bài biết đăng tải, nickname N.C.N. bình luận: “Cho rồi sao lấy lại được?”. Tài khoản khác cũng nhận định: “Không việc gì cô dâu phải trốn. Vàng cho con dâu là của con dâu. Pháp luật quy định như thế. Mọi người còn lại nếu có yêu cầu cũng phải theo quy định của pháp luật”.

Đáp lại vấn đề trên, nickname T.P. lại cho rằng: “Cho rồi lấy lại được vì cô dâu tự ý bỏ đi nhé. Đáng ra nhà gái phải bồi thường nhà trai vì đó là vàng cho con cái làm vốn chứ không phải cho riêng cô dâu. Nếu muốn bỏ đi thì đáng ra nói với bên chồng, chứ làm vậy là lừa đảo luôn rồi”.

Có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu tài sản

Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc công ty luật Tín Nghĩa (thuộc đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định, nếu hai bên đã tổ chức đám cưới nhưng không có đăng ký kết hôn thì pháp luật chưa công nhận là vợ chồng chính thức theo quy định tại khoản 1 Điều 9 luật Hôn nhân gia đình năm 2014.

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định pháp luật thì không có giá trị pháp lý.

“Do vậy việc người vợ (chưa hợp pháp) sau đám cưới lấy tài sản là quà mừng đám cưới là chưa đúng quyền sở hữu tài sản hợp nhất của vợ chồng đang trong thời kỳ hôn nhân.

Tài sản quà mừng là tài sản chung của 2 người nên người chồng (chưa hợp pháp) cũng có được 1 nửa tài sản đó.

Người vợ tự ý lấy đi tất cả là không đúng, có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác khi chưa có thỏa thuận với người chồng”, luật sư Lễ nêu quan điểm.

Ảnh cưới của cặp vợ chồng gây xôn xao mạng xã hội.

Theo luật sư Lễ, thực tế, năm 2013 đã từng có vụ án hình sự khi vợ tố cáo chồng trộm cắp tài sản chung của vợ chồng. TAND tỉnh Tây Ninh tuyên người chồng (kết hôn hợp pháp) không phạm tội trộm cắp tài sản chung và trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa.

Tòa án nhận định không có tài liệu chứng cứ nào cho thấy vợ chồng bị cáo đã chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Khách thể xâm phạm ở đây là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng đang trong thời kỳ hôn nhân.

Trong đó, phần quyền sở hữu của mỗi người không được xác định đối với khối tài sản chung hợp nhất theo quy định tại Điều 217 Bộ luật Dân sự năm 2005. Do đó, chưa có cơ sở để quy kết bị cáo (người chồng) tội Trộm cắp tài sản.

Quay trở lại vụ việc trên, luật sư Lễ cho rằng, 2 người này chưa được công nhận vợ chồng hợp pháp nên vẫn còn là quan hệ cá nhân độc lập. Do vậy, nhà trai có quyền khởi kiện cô dâu bỏ trốn ra tòa án để được giải quyết.