Kinh tế vĩ mô

Cơ chế chính sách cần xuất phát từ tiếng nói của doanh nghiệp

Doanh nghiệp đang cần được khẩn trương tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, khơi thông nguồn lực và các thủ tục đầu tư, triển khai dự án đầu tư công...

Sáng 19/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức "Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp".

Tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI nhận định, do các biến động phức tạp về địa chính trị thế giới đã và các thị trường lớn của Việt Nam đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta cũng như các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Phòng cho rằng, bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm kéo dài sự không thuận lợi từ cuối năm 2022. Theo đó, GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm. Điều này cũng khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ 2022.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh về việc quan tâm đến vấn đề sức khoẻ của nền kinh tế, của doanh nghiệp. 

Theo nhận định của ông Phòng, tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn như ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu; vấn đề lạm phát ở nhiều quốc gia; giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu còn ở mức cao; sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn.

Cùng với đó là sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, sự tồn tại của doanh nghiệp gắn liền với sức mạnh kinh tế quốc gia, gắn liền với nguồn thu ngân sách Nhà nước. Do đó, vấn đề sức khoẻ của nền kinh tế, của doanh nghiệp cần được hết sức quan tâm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, hiện nay Việt Nam đang chịu ảnh hưởng không chỉ những khó khăn từ nội tại mà còn có những khó khăn chung của toàn thế giới. Các nền kinh tế lớn trên thế giới đang có xu hướng chững lại, thậm chí là suy thoái. 

Ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp.

Từ những khó khăn đó, ông Long đã nêu ra một số đề xuất cần được chú trọng như khẩn trương tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, khơi thông nguồn lực, và các thủ tục đầu tư, triển khai dự án đầu tư công trong ngắn hạn.

Ngoài ra ông Long cho rằng, có một số biện pháp khác đã được đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục đầu tư kinh doanh; hỗ trợ tái cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

“Có thể thấy, Chính phủ đã đặt việc hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn lên trọng tâm hàng đầu, các chính sách ban hành ra phải thông thoáng, rõ ràng. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong quá trình vận hành cơ chế chính sách, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có các kiến nghị trực tiếp về các vấn đề cần tháo gỡ trong thực tế”, ông Long chia sẻ.

Ông Long nhấn mạnh: “Tất cả những cơ chế chính sách cần phải xuất phát từ tiếng nói của doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp. Tiếng nói từ hiệp hội doanh nghiệp là tiếng nói cụ thể nhất, thực tế nhất để Chính phủ lắng nghe và thực hiện đổi mới về cơ chế chính sách”.

Do đó, ông Long đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao tiếng nói về các cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp của mình, tiếp tục kiến nghị về các vấn đề cần tháo gỡ và hoạt động đổi mới chính sách. 

Bà Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) mong rằng, các cơ quan pháp lý Nhà nước cần phải phối hợp hết sức nhuần nhuyễn theo quy định pháp luật và tạo ra sức mạnh tổng lượng để giúp các doanh nghiệp.

Bên trong bất kỳ khủng hoảng nào, những giai đoạn khó khăn nhất, cũng có thể nảy sinh những ý tưởng mới và không gian phát triển mới dành cho những doanh nghiệp biết tận dụng. Các doanh nghiệp có quyền lựa chọn cách xoay chuyển hoạt động kinh doanh cho phù hợp, định vị mình để xác định hướng đi một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Tú Anh - Hoàng Nam