Toàn cảnh

Có biểu hiện đánh giá cán bộ theo kiểu “yêu nên tốt, ghét nên xấu”

Theo ông Hồ Quốc Thái, công tác đánh giá cán bộ là then chốt nhưng trên thực tế việc đánh giá cán bộ còn cảm tính, “yêu nên tốt, ghét nên xấu".

Liên quan đến đề xuất phải có cơ chế để những chủ thể đánh giá cán bộ phải đánh giá khách quan, trung thực, đồng thời phải có chế tài xử lý nghiêm những chủ thể đánh giá cán bộ sai, nhiều ý kiến đồng tình song cũng cho rằng cần nhìn nhận khách quan.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Hồ Quốc Thái, nguyên Phó Viện trưởng viện Phúc thẩm 1, VKSND Tối cao nhận định, công tác cán bộ là then chốt của then chốt, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Theo đó, khâu đánh giá cán bộ là vô cùng quan trọng, chủ thể giới thiệu cán bộ phải công tâm.

Đánh giá cán bộ là “đo lường” nhân cách con người và liên quan đến vận mệnh, tương lai, số phận của họ. Đây là khâu quan trọng đầu tiên và có ảnh hưởng mật thiết đến tất cả các khâu sau này của công tác cán bộ (đào tạo, bổ nhiệm, sử dụng, đãi ngộ cán bộ…).

Đánh giá cán bộ đúng sẽ tạo điều kiện khích lệ cán bộ phát huy năng lực, sở trường để thực hiện tốt công việc, chức trách, cương vị của mình. Nhưng đánh giá cán bộ không đúng sẽ dẫn tới quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ không phù hợp, dẫn đến hỏng người, hỏng việc, ảnh hưởng đến uy tín của cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Đánh giá cán bộ là khâu vô cùng quan tọng (Ảnh minh họa)

Theo ông Hồ Quốc Thái, dù Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về công tác đánh giá cán bộ nhưng trên thực tế việc đánh giá cán bộ còn chung chung, cảm tính, nể nang, thậm chí có biểu hiện đánh giá cán bộ theo kiểu “yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Thực tế, có tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo xảy ra ở một số nơi gây bức xúc trong dư luận. Chính vì vậy, có ý kiến đề xuất phải có chế tài xử lý những chủ thể đánh giá cán bộ sai cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, ông Thái cho rằng, cần nhìn nhận khách quan khi xác định lỗi của người giới thiệu. Xác định trách nhiệm và người chịu trách nhiệm của mỗi khâu, mỗi bộ phận để lựa chọn, giới thiệu nhân sự, đặc biệt phải có người chịu trách nhiệm cho những công việc cũng như quy chuẩn, sai ở đâu, ở khâu nào thì người chịu trách nhiệm ở khâu đó sẽ phải chịu trách nhiệm”, ông Thái nhấn mạnh.

Theo nguyên Phó Viện trưởng viện Phúc thẩm 1, cần xác định các lỗi là lỗi của công tác nhân sự ban đầu. Cụ thể, lỗi của người sau khi trúng cử mới bắt đầu phát sinh tiêu cực thì cũng phải làm cho rõ ràng tránh trường hợp có những người lúc đầu khi được giới thiệu họ tốt thật, đảm bảo tiêu chí, có năng lực nhưng sau đó mới có sự tha hóa, vậy lỗi đó không phải của người giới thiệu mà là lỗi của cá nhân đó và cơ quan quản lý.

Đồng quan điểm trên, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, trong công tác nhân sự, một trong những điều quan trọng là ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm cá nhân của người giới thiệu và người được giới thiệu. Ai là người chịu trách nhiệm trong tiến cử? Một tập thể, không phải đồng loạt tất cả giơ tay giới thiệu một người mà phải có một người đề xuất, khởi xướng đầu tiên thì người đó phải có trách nhiệm bảo đảm việc tiến cử của mình.

“Theo quan điểm của tôi, người tiến cử phải chịu trách nhiệm, phải biết rõ, không phải giới thiệu một cách vu vơ, thân hữu hoặc trực hệ, thậm chí mua bán chức vụ để đổ lỗi cho tập thể. Vấn đề là làm sao phải tách ra được trách nhiệm cá nhân trong trách nhiệm tập thể”.

Ông Hùng đánh giá, công tác cán bộ phải dựa trên nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch. Những nguyên tắc đó nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, chúng ta sẽ lựa chọn được cán bộ phù hợp để giới thiệu vào cấp ủy. Lựa chọn đúng và trúng cán bộ, những người làm công tác nhân sự phải là những người có tâm, có tầm, trong sáng, vô tư, đặt lợi ích của Đảng, nhân dân lên trên hết. Đồng thời, những người này phải có năng lực trình độ để đánh giá con người, đánh giá cán bộ một cách đúng đắn, khách quan.

Để chấn chỉnh và xây dựng được đội ngũ cán bộ có đức, có tài thì những người làm công tác cán bộ phải thực sự chí công vô tư, làm mọi việc đều xuất phát từ mục tiêu vì nước, vì dân. Quy trình lựa chọn cán bộ cần phải làm cẩn thận, không hồ đồ, hấp tấp, không để tình trạng nể nang, lợi ích nhóm tồn tại.

Hương Lan