Đời sống

Có 1 trong 8 biểu hiện này, rất có thể trẻ đã bị suy giảm thị lực

Nếu trẻ không được phát hiện bệnh sớm để đeo kính kịp thời, suy giảm thị lực sẽ ngày càng nặng, thậm chí dẫn đến nhược thị, ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ.

Theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ 2 tuổi đã biết sử dụng điện thoại. Bên cạnh đó, cứ 10 bé sẽ có 7 trường hợp được cha mẹ cho sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính bảng.

Việc nhìn gần và tiếp xúc ánh sáng xanh trong thời gian dài nhưng lại ít tham gia các hoạt động ngoài trời khiến bệnh cận thị ở trẻ tăng nhanh. Trong bối cảnh dịch bệnh, trẻ hạn chế ra ngoài nên càng có xu hướng “kết thân” với các thiết bị điện tử.

Bác sĩ Võ Thị Thùy Linh, Trưởng khoa 3CK, Bệnh viện Nhi Đồng thành phố Cần Thơ, cho biết tình trạng trẻ bị cận thị đang có chiều hướng tăng cao. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ không chú trọng việc khám mắt định kỳ cho con để phát hiện sớm các tật khúc xạ. Nếu trẻ không được phát hiện bệnh sớm để đeo kính kịp thời, tình trạng suy giảm thị lực sẽ ngày càng nặng hơn, thậm chí dẫn đến nhược thị, ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của con.

Theo bác sĩ Linh, khi có một trong các biểu hiện dưới đây rất có thể trẻ đã bị suy giảm thị lực:

- Trẻ thường xuyên xem tivi hoặc đọc sách với khoảng cách gần.

- Trẻ thường xuyên dụi mắt.

- Lạc chỗ khi đọc hoặc phải dùng ngón tay để hướng dẫn mắt.

- Trẻ nhạy cảm với ánh sáng hoặc bị chảy nước mắt nhiều hơn bình thường.

- Trẻ nhắm một mắt khi đọc sách hoặc xem tivi.

- Trẻ thường nheo mắt hoặc nghiêng đầu để quan sát bảng rõ hơn.

- Kết quả học tập giảm sút.

- Đau mỏi mắt khi dùng máy tính.

Ngoài ra, trẻ không thích tham gia hoặc làm kém hiệu quả trong các hoạt động liên quan tới thị giác như vẽ, tô màu, tập đọc. Trẻ không thể nhìn rõ những vật ở cách xa trên 1m. Trẻ thường phải chép bài của bạn ngồi bên cạnh do không nhìn rõ các chữ trên bảng. Trẻ bị nhức đầu hoặc chảy nước mắt do mỏi mắt.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo trẻ em dưới 6 tuổi nên hạn chế sử dụng thiết bị điện tử, máy tính bảng, điện thoại di động. Giai đoạn từ sơ sinh đến dưới 6 tuổi là thời gian còn trong quá trình phát triển về cấu trúc trục nhãn cầu cũng như chức năng thị giác. Vì vậy, sử dụng các thiết bị điện tử quá sớm sẽ gây hại đến mắt của trẻ rất nhiều.

Để phòng tránh tật cận thị ở trẻ, các bác sĩ chuyên khoa mắt khuyến cáo:

- Tạo cho trẻ thói quen sử dụng mắt tốt.

- Bảo đảm đủ ánh sáng trong các phòng học, lớp học cho trẻ em. Ánh sáng phải được phân bố đều và có cường độ tốt không gây lóa mắt.

- Sách và tài liệu chữ in rõ ràng trên giấy không quá bóng để tránh bị lóa mắt.

- Những trẻ cận thị được ưu tiên xếp ngồi gần bảng.

- Không học tập, làm việc bằng mắt liên tục và kéo dài nhiều giờ.

- Cho mắt nghỉ ngơi từ 5 đến 10 phút bằng cách nhắm mắt lại hoặc nhìn ra xa sau mỗi giờ học.

- Không nên đọc sách trong bóng tối hoặc ngồi trước máy vi tính quá nhiều.

- Làm việc ở khoảng cách thích hợp, từ mắt đến sách khoảng 30 - 40 cm.

- Những ngày nghỉ nên cho trẻ sinh hoạt ngoài trời, đi picnic, thể dục thể thao nhẹ cho mắt được nghỉ ngơi thư giãn.

- Bổ sung cho trẻ các loại vitamin như A, B, C, E, Calcium…

- Đối với những trẻ bị cận thị nặng cần đi khám bác sĩ hàng năm để theo dõi và phòng ngừa những triệu chứng bất thường.

Đặc biệt, cha mẹ cần lưu ý không nên cho trẻ đọc sách, xem tivi, chơi điện tử quá 2 giờ liên tục. Bởi ánh sáng đèn LED từ các thiết bị này là tác nhân gây ra và làm bệnh về mắt có chiều hướng trầm trọng hơn. Ngoài ra, cha mẹ không nên cho trẻ đọc sách trên tàu xe, khi nằm ngửa hoặc ở những nơi thiếu ánh sáng.

Minh Hoa (t/h theo Zing, VTV)