Sản phẩm

Clip: Tiết lộ hình ảnh về hóa thạch "rừng ma" cổ quái nhất thế giới mới lộ diện

Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra một khu rừng lâu đời nhất thế giới với niên đại lên tới 385 triệu năm tại một mỏ đá bị bỏ hoang tại New York.

"Rừng ma" kỳ dị này được phát hiện ở thị trấn Cairo, hạt Greene, bang New York, Mỹ. Cây cối trong khu rừng hóa thạch này là những đại thụ với bộ rễ khổng lồ, quái dị. Dạng rễ này đặc trưng cho thời kỳ thực vật sơ khai của trái đất. 

Đội nghiên cứu đã cẩn trọng gạt đi các lớp đất đá, bụi biển và tìm thấy một phát hiện phi thường. Giả thuyết đặt ra là, một trận lụt khủng khiếp đã khiến hầu hết các cây trong khu rừng bị chết, đồng thời lưu giữ hệ thống rễ trong tình trạng hóa thạch. Họ thậm chí còn tìm thấy các hóa thạch của cá gần những thân cây to nhất. Ước tính khi còn xanh tươi, đây ra một cánh rừng mênh mông trải rộng trên địa phận bang Pennsylvania của Mỹ ngày nay và một số khu vực lân cận.

Các nhà khoa học cũng đã xác định được 3 dạng cây, hai trong số đó chỉ tồn tại ở khu vực này. Ban đầu, các nhà khoa học nghĩ một khu rừng hóa thạch ở thị trấn Gilboa, cũng thuộc bang New York là khu rừng cổ xưa nhất. Tuy nhiên, khu rừng ở Cairo thậm chí còn già hơn 2 tới 3 triệu năm và có sự khác biệt rất rõ ràng. 

Theo tiến sĩ Chris Berry từ Đại học Cardiff, thành viên nhóm nghiên cứu, rừng cây tại Cairo có niên đại sớm 140 triệu năm so với sự xuất hiện của con khủng long đầu tiên trên thế giới. Loài côn trùng lâu đời nhất sống cách đấy chừng 400 triệu năm và một vài triệu năm sau đó, các loài động vật bốn chân đầu tiên mới chinh phục trái đất.

Với tuổi đời 386 triệu năm, đây là khu rừng hóa thạch cổ xưa nhất mà con người từng khai quật được. 

Hải Vân (tổng hợp)