Video

Clip: Rết khổng lồ kịch độc đoạt mạng rắn trong trận tử chiến

Con rết đầu đỏ siết chặt đầu con rắn rồi đoạt mạng ngay giữa đường khiến người xem không khỏi bất ngờ.

Cuộc đọ sức gay cấn giữa rết đầu đỏ và rắn được người dân ghi lại tại một con đường ở Quảng Châu, Trung Quốc.

Hình ảnh ghi lại cho thấy, hai con vật quấn lấy nhau và liên tục lăn lộn nhiều vòng trên đất. Con rết dài khoảng 20 cm, trong khi đó con rắn dài hơn gấp nhiều lần.

Trong khi con rắn tìm cách giết chết đối thủ thì con rết lại xoay sở để lật ngửa con rắn ra. Ngay sau đó, con rết chiếm được thế thượng phong, nó siết chặt phần đầu của rắn và ngăn đối thủ phản kháng. Máu của con rắn bắt đầu chảy trên mặt đất, con vật cố gắng giãy giụa để thoát thân nhưng không thành công.

Được biết, rết đầu đỏ thường bám ở những hốc đá, gỗ hoặc lá cây nhưng đôi khi còn xuất hiện trong nhà. Loài rết này có chiều dài lên tới 20 cm và có khoảng từ 21-23 cặp chân. Thức ăn của chúng là côn trùng và nhện. Tuy nhiên, những con rết lớn có thể ăn thịt con mồi lớn hơn như các loài gặm nhấm, rắn, thằn lằn, cóc hay các loài động vật có xương sống nhỏ khác.

Màu sắc tươi sáng của loài rết này như một lời cảnh báo với những kẻ săn mồi rằng, dù trông rất bắt mắt nhưng chúng cực độc.

Theo các nhà khoa học, một khi bị loài chân đốt này tấn công thì chất độc của chúng sẽ ngăn chặn sự vận chuyển của kali trong cơ thể kẻ thù, khiến kali thoát ra khỏi các tế bào, ngăn chặn lưu lượng máu và gây suy tim.

Một con rết đầu đỏ như vậy thường mang theo nọc độc chết người và có thể hạ gục một đối thủ to gấp 15 lần kích thước của nó, làm nạn nhân co giật. Thứ chất độc đó được biết đến với cái tên "Ssm Spooky Toxin", có thể tàn phá hệ thống tim mạch, hệ hô hấp và thần kinh của nạn nhân.

"Đa số động vật không muốn gặp rắc rối với rết. Chúng có những chiếc răng nanh với khả năng gây ra vết cắn vô cùng đau đớn", Terence Farrell, giáo sư sinh học tại Đại học Stetson chia sẻ với phóng viên kênh National Geographic.

Hải Vân (T/h)