Video

Clip: Rắn hổ mang phi thân tấn công đại bàng và cái kết bất ngờ

Đáp xuống bãi cỏ tấn công rắn hổ mang, đại bàng đã phải bỏ chạy vì bị con mồi "phản đòn".

Cuộc chiến giữa đại bàng rắn ngón ngắn và rắn hổ mang Ấn Độ đã được nhiếp ảnh gia động vật hoang dã Ramamurthy Karthik ghi lại.

Cụ thể, Karthik cùng vài vị khách đã tình cờ phát hiện thấy con đại bàng cố gắng săn rắn trên một đồng cỏ ở Ấn Độ.

Trong clip, con đại bàng chăm chú quan sát con mồi và đi vòng quanh nó, dường như muốn tìm cơ hội thích hợp để tấn công. Lúc này, con rắn hổ mang cũng ngóc cao đầu cảnh giác, thậm chí còn cố lao bổ về phía kẻ đi săn. Trước cú tấn công bất ngờ của đối thủ, con đại bàng vội vã nhảy ra xa.

Rắn hổ mang Ấn Độ có tên khoa học là Naja Naja – một trong những loài có nọc độc nhất thế giới. Chúng còn được gọi với nhiều tên khác như rắn hổ mang Châu Á hay rắn hổ mang Binocellate.

Loài rắn này được tìm thấy nhiều ở tiểu lục Ấn Độ và là một thành viên trong nhóm "tứ đại nọc độc" của đất nước này. Đây là loài rắn có trọng lượng và kích thước vừa phải. Phần lớn rắn hổ mang Ấn Độ trưởng thành có kích thước từ 1 đến 1.5m. Một số cá thể sống ở vùng Sri Lanka có thể dài tới 2.2m nhưng có số lượng không nhiều.

Thức ăn của rắn hổ mang Ấn Độ chủ yếu là động vật gặm nhấm, thằn lằn và ếch. Chúng thường theo dõi và tấn công con mồi rất nhanh.

Con mồi sẽ bị nọc độc của rắn tấn công vào hệ thần kinh làm cho tê liệt và tử vong ngay sau đó. Cũng như các loài rắn khác, chúng sẽ nuốt trọn con mồi vào trong dạ dày để tiêu hóa.

Trong khi đó, đại bàng rắn ngón ngắn (Circaetus gallicus) phân bố tại Nam Âu, Trung Âu, Trung Đông, Nga và châu Phi. Chúng là chim săn mồi kích thước trung bình, chủ yếu ăn thịt động vật bò sát như rắn và thằn lằn. Đôi khi chúng cũng ăn những loài thú nhỏ, ví dụ như thỏ, và hiếm khi ăn chim hay côn trùng.

Hải Vân (T/h)