Mới- nóng

Clip: Mô phỏng cụm bảo tàng di tích lịch sử lớn nhất Việt Nam

Chỉ có dòng sông Tô Lịch mới đủ tư cách hàm chứa và kể chuyện ngàn năm Thăng Long Hà Nội...

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch JVE Group - Công ty CP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE: “Để có thể thực hiện thành công Nghị quyết 09/NQ-TU về phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, đặc biệt là trọng điểm về “Du lịch văn hóa” thì phải thu hút được Du khách trong và ngoài nước”.

Trước đó, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 đã nêu rõ về việc “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. 

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch JVE Group

Tuy nhiên, đại diện JVE cho rằng, để thu hút được du khách Quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh với các Quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… vốn đã có một nền công nghiệp văn hóa rất mạnh thì Việt Nam, đặc biệt Thủ đô Hà Nội cần có một “công trình văn hóa tiêu biểu, quy mô, độc đáo, đặc sắc bản sắc Nghìn năm Thăng Long-Hà Nội”. Từ đó, mới có thể thu hút được đông đảo khách du lịch đến với Thủ đô, góp phần chuyển biến thực sự diện mạo Thủ đô. 

Phối cảnh biển tên Công viên Lịch sử-Văn hóa-Tâm linh Tô Lịch (Công viên Hữu nghị Việt-Nhật) bằng song ngữ Nhật, Việt tại đầu nguồn sông Tô Lịch (đường Hoàng Quốc Việt) 

Nhận xét về ý tưởng cải tạo này, Họa sĩ, Nhà báo, Nhà nghiên cứu Tâm linh Trịnh Yên, đồng thời là Ủy viên thường vụ, Trưởng Ban Văn hóa Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam chia sẻ: "Chỉ có dòng sông Tô Lịch mới đủ tư cách hàm chứa và kể chuyện ngàn năm Thăng Long Hà Nội. Những câu chuyện của ngàn năm ấy là những câu chuyện chính thống, điển tích dân gian hợp lại. Chúng tôi đánh giá đây là to lớn nhất, chính thống nhất để kỷ niệm chào đón hàng ngàn năm Thăng Long Hà Nội”.

“Công trình sẽ là cụm bảo tàng di tích ngoài trời lớn nhất Việt Nam nếu không muốn nói đây là 1 kỷ lục”, ông nhấn mạnh.

Về nguồn vốn thực hiện Dự án, JVE dự kiến đề xuất chủ yếu sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và một phần vốn đối ứng trong nước (Vốn ngân sách Trung ương), một số nguồn tài chính khác. 

Phối cảnh hầm ngầm chống ngập được đặt sâu trên 30m dưới đường Nguyễn Đình Hoàn, Quan Hoa, Nguyễn Khang, … và kéo dài tới dưới đường Kim Giang, tức bên ngoài sông để tránh ảnh hưởng tới Long mạch của sông Tô Lịch

Về thời gian triển khai, Dự án nhận được sự ủng hộ của Lãnh đạo cao nhất của Thành phố với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thẩm định, hoàn thiện bổ sung vào Quy hoạch và đàm phán, hoàn thiện các thủ tục liên quan, tiến tới ký kết Hiệp định vay vốn ưu đãi của Nhật Bản và đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm ở phía dưới và “Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch (Công viên Hữu nghị Việt - Nhật) ở phía bên trên sông Tô Lịch vào năm 2030 là dấu mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng.