Video

Clip: Hổ đứng thẳng 2 chân, lao vào "tát nhau" dữ dội và cái kết bất ngờ

Đoạn clip đáng kinh ngạc về khoảnh khắc một cuộc chiến kịch tính nổ ra giữa hai con hổ đã được ghi lại tại một khu bảo tồn động vật hoang dã ở Ấn Độ.

Cảnh tượng kịch tính ghi lại cuộc chiến của hai con hổ đã được nhân viên Sở Lâm nghiệp Ấn Độ Parveen Kaswan chia sẻ trên Twitter.

Trong clip, có hai con hổ đang đi cạnh nhau trong khu bảo tồn. Chỉ vài giây sau, một trong hai con hổ thay đổi hướng, lao về phía đối phương và cuộc chiến nổ ra. Cả hai con hổ đứng thẳng bằng hai chân sau, vung hai chân trước đánh nhau dữ dội.

Một trong hai con hổ sau đó chấp nhận là kẻ thua cuộc, khi bị đối phương hai lần quật ngã ngửa xuống đất. Con hổ này làm động tác như quỳ xuống xin đầu hàng và cuộc quyết đấu kết thúc. Con hổ thắng cuộc liền bỏ đi.

"Cuộc đụng độ của những gã khổng lồ. Chỉ có ở Ấn Độ. Đây là điều đáng kinh ngạc nhất mà các bạn sẽ xem",  Parveen Kaswan viết.

Trong tự nhiên, hổ là loài động vật thuộc nhóm động vật ăn thịt đầu bảng, với thân thể to lớn, tính hung hãn dữ tợn, bộ lông vằn vện, hàm răng khỏe, móng vuốt nguy hiểm, sức mạnh, tính kiên trì và chạy khá nhanh nên hổ được mệnh danh là chúa sơn lâm và ít khi có kẻ thù tự nhiên.

Bên cạnh đó, hổ là động vật có tập tính lãnh thổ cao và sẽ tham gia chiến đấu để bảo vệ vùng đất của mình bất kể mối quan hệ như nào.

Để thiết lập lãnh thổ, con đực sẽ đánh dấu cây cối bằng cách phun nước tiểu, dịch tiết tuyến hậu môn hoặc đánh dấu đường mòn bằng phân. Đôi khi, chúng sẽ dùng móng vuốt cào vào thân cây hoặc đường mòn. Những mùi hương do từng con hổ để lại cung cấp thông tin về giới tính và tình trạng sinh sản của con vật đó cho những con khác ở gần.

Được biết, Ấn Độ đã ghi nhận sự gia tăng ổn định đáng mừng về số lượng hổ trong tự nhiên, từ 2.226 con vào năm 2014 lên 2.967 con, theo một báo cáo công bố vào tháng 7 năm 2019. Quốc gia này hiện là nơi sinh sống của hơn 70% số hổ trên thế giới.

Tuy nhiên, môi trường sống bị chia cắt bởi các hoạt động khai hoang của con người và săn bắn quá mức là nguyên nhân số lượng hổ giảm mạnh. Ngày nay, hổ là loài vật được bảo vệ ở Ấn Độ, sinh sống tự do trong các khu bảo tồn.

Hải Vân (T/h)