Đời sống

Clip: Bất ngờ phát hiện rắn hổ mang bạch tạng cực hiếm sau mưa lớn

Một con rắn hổ mang bạch tạng quý hiếm với nọc độc có khả năng gây chết người đã được tìm thấy bên trong một ngôi nhà ở Ấn Độ khi trời mưa lớn.

Mới đây, người phát ngôn của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã địa phương (WNCT) nói với Newsweek rằng cơn mưa đã cuốn trôi con rắn dài 1,5 m vào một nhà ở thành phố Coimbatore, miền Nam Ấn Độ .

Sau khi phát hiện ra con rắn, những người dân có liên quan đã thông báo cho WNCT cử người đến để bắt con rắn hổ mang bạch tạng một cách an toàn, con rắn này cuối cùng đã được thả về tự nhiên.

"Rắn hổ mang được biết đến là loài có nọc độc và là mối đe dọa đáng kể đối với con người", WNCT cho biết trong một bài đăng trên Facebook. “Nọc độc của chúng có thể gây tê liệt và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời”.

Do những mối nguy hiểm vốn có, người bắt rắn phải có tay nghề cao mới có thể loại bỏ và di dời loài bò sát này một cách an toàn. "Điều quan trọng là phải xử lý những con rắn này một cách cẩn thận và thành thạo, vì bất kỳ sai sót nào cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng", WNCT cho biết trong bài đăng.

Rắn hổ mang bạch tạng được thả về tự nhiên.

Sau khi đưa con rắn ra khỏi nhà, người bắt rắn đã giao nó cho các quan chức địa phương thuộc Phân khu Lâm nghiệp Coimbatore. Các chuyên gia đã đánh giá tình trạng của con rắn và kết luận rằng con vật khỏe mạnh và đủ điều kiện để thả. Cuối cùng, con vật đã được thả về tự nhiên.

"Thả con rắn về môi trường sống tự nhiên để đảm bảo rằng con rắn có thể tiếp tục cuộc sống của nó mà không có bất kỳ sự xáo trộn nào. Đây cũng là một bước thiết yếu trong việc bảo tồn loài rắn, vì nó giúp duy trì sự cân bằng sinh thái của khu vực", WNCT cho biết trong một tuyên bố.

Theo các chuyên gia, việc phát hiện một con rắn hổ mang bạch tạng trong tự nhiên là vô cùng hiếm. Bạch tạng là một tình trạng gây ra bởi đột biến gen được đặc trưng bởi sự vắng mặt của sắc tố melanin. Động vật mắc bệnh bạch tạng có xu hướng có lông, da, vảy màu trắng, cũng như mắt màu hồng trong một số trường hợp.

Bệnh bạch tạng xảy ra ở nhiều loài động vật, nhưng chủ yếu ở chim, bò sát và lưỡng cư, và ít gặp hơn ở động vật có vú, bao gồm cả con người.

Clip: Rắn hổ mang bạch tạng được thả về tự nhiên.

Quốc Tiệp (lược dịch)