Ngôi sao

Clark Gable - chàng Rhett Butler lãng tử hào hoa "Cuốn theo chiều gió" để trở thành huyền thoại

Có lẽ những ai yêu mến Cuốn theo chiều gió sẽ không thể quên được một Rhett Butler quyến rũ hào hoa đầy khí chất.

Con đường nghệ thuật trải gai hồng

William Clark Gable sinh ngày 1/2/1901 tại Cadiz, tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ trong một hoàn cảnh đáng thương. Cha của ông là một nhà khoan giếng dầu. Mẹ của Clark Gable vốn là một người phụ nữ thể trạng yếu, bác sĩ từng khuyên bà không nên có con, song với mong muốn tha thiết, đánh cược với tử thần, bà đã sinh ra Clark rồi qua đời chỉ 10 tháng sau đó.

Sau cái chết của mẹ, nhà nội của Clark quyết không nhận nuôi ông bởi ông từng được mẹ rửa tội theo nghi thức Công giáo. Sau nhiều sóng gió, cuối cùng Clark được ông bà ngoại nuôi nấng và chăm sóc tại Vernon, Pennsylvania.

Năm 1903, ông Wiliam - cha Clark tái hôn với một người phụ nữ tên là Jennie Dunlap. Sau khi kết hôn, hai người đã về vùng quê Vernon để đón Clark về nuôi.

Ở với mẹ kế nhưng Gable được bà yêu thương hết mực. Thấy được năng khiếu nghệ thuật của con, Jennie dạy Clark cách chơi dương cầm, bà chăm chút cho cậu bé từng bữa ăn giấc ngủ, bà để Clark diện những món đồ đẹp nhất nổi trội hơn so với bạn bè cùng trang lứa.

Sau này khi trưởng thành, người mẹ thứ hai Jennie là người có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của Clark.

Năm 1917, khi Clark Gable vào trung học, cha cậu phá sản. Will quyết định chuyển qua làm nông trại tại Ravenna, giáp khu vực Akron.

Đang sống cuộc sống sung túc giàu sang, Gable đã không thích nghi được với vùng đất mới, bất chấp mọi lời can ngăn, Clark đến làm việc tại nhà máy sản xuất cà vạt B.F. Goodrich.

Năm 17 tuổi, sau khi xem vở kịch The bird of paradise, Clark Gable nuôi mộng diễn xuất. Tại vở kịch, Clark đóng vai quần chúng và chỉ nói một câu thoại duy nhất: "Chúc ông một buổi tối tốt lành". Nhưng với Clark đó là cả một sự thích thú tột cùng.

Biến cố lại tiếp diễn, vài năm sau người mẹ kế qua đời, Clark rơi vào tuyệt vọng, cùng với đó giấc mơ nghệ thuật tan vỡ.

Ông tiếp tục tìm việc trong một nhà hát hạng hai, song lại bỏ cuộc và xin một chân bán hàng trong hiệu tạp hóa. Tại đây, Clark gặp nữ diễn viên Laura Hope Crews – người đã khuyến khích ông quay trở lại sân khấu.

Nhờ sự khích lệ của Laura, Clark xin vào một rạp hát ở Portland, Oregon, ông nhận được sự hướng dẫn, giúp đỡ nhiệt tình của Josephine Dillon – người phụ nữ hơn ông 17 tuổi.

Josephine Dillon đã chi tiền cho Clark "làm lại từ đầu" theo đúng nghĩa đen. Ông sửa răng, làm tóc, thay đổi điệu bộ, hình thể, luyện giọng, và làm mọi thứ để trở thành một diễn viên thực thụ.

Suốt hai năm 1927 – 1928, Clark đầu quân cho đoàn kịch Laskin Brothers Stock ở Houston, ông được phân khá nhiều vai và dần trở thành ngôi sao kịch nghệ trong vùng.

Khủng hoảng kinh tế bùng nổ cùng với sự phát triển của loại hình phim âm thanh, nghệ thuật kịch bị lãng quên, sự nghiệp của Clark bị ngưng trệ từ đó.

Trước khó khăn này, Clark xác định mình buộc phải thay đổi theo xu hướng mới có thể tồn tại.

Năm 1930, ông kí hợp đồng với hãng Metro–Goldwyn–Mayer và nhận được vai diễn phản diện đầu tiên trong bộ phim The painted desert (1931).

Không để khán giả thất vọng, Clark gây được tiếng vang bằng chính khả năng diễn xuất có hồn và chuyên nghiệp của mình.

Kể từ khi kí hợp đồng với MGM, Clark thường xuyên được ưu ái đóng cặp với hầu như tất cả các ngôi sao nữ nổi tiếng của hãng như Norma Shearer, Greta Garbo, Joan Crawford…

Joan Crawford thừa nhận bà đã ngỡ ngàng khi nhìn thấy Clark: "Dường như có một dòng điện chạy qua người tôi, đầu gối tôi rung lên, nếu anh ấy không giữ lấy vai tôi, có thể tôi đã ngã".

Tiếp đà thành công đó, Clark đảm nhận liên tiếp những vai phản diện khác. Chỉ sau một năm, cái tên Clark Gable đã trở nên quen thuộc với khán giả qua các bộ phim A Free Soul, Her Fall and Rise và Possessed, Red Dust.

Clark Gable chính thức trở thành nam diễn viên hàng đầu của hãng MGM.

The Hollywood Reporter đã không tiếc lời ca ngợi Clark rằng: "Một ngôi sao đã được sinh ra, và đó, theo như chúng ta ước đoán, sẽ làm lu mờ mọi ngôi sao khác. Chưa bao giờ chúng ta thấy khán giả kích động mãnh liệt bằng như khi Clark Gable bước ngang qua màn bạc".

Huyền thoại "Cuốn theo chiều gió"

Tuy nhiên, phải đến bộ phim kinh điển Cuốn theo chiều gió, Clark Gable mới thực sự trở thành một ngôi sao. Vai diễn Rhett Butler của ông thậm chí còn được đánh giá cao hơn "Scarlet O’Hara" Vivien Leigh.

Về vai diễn kinh điển này, Clark Gable là diễn viên đầu tiên được nghĩ đến khi casting cho vai Rhett Butler nhưng ông không phải người duy nhất được ứng tuyển.

Nam diễn viên Errol Flynn và Ronald Colman từ chối nhận phim trong khi Gary Cooper lại cho rằng Cuốn theo chiều gió là "một thất bại lớn nhất trong lịch sử Hollywood".

Sau đó, ngay cả Gable đã từ chối vai này, bởi tại thời điểm đó, ông rất thận trọng với những vai diễn lớn như Rhett Butler vì sợ sẽ gây thất vọng cho công chúng bởi Clark e ngại sẽ không truyền tải được hết qua phần diễn xuất của mình.

Chính nam diễn viên này từng lên tiếng thừa nhận: "Tôi thấy mình chẳng giống Rhett Butler chút nào! Tôi không hiểu vì sau người ta lại chọn mình".

Thế nhưng vào ngày công chiếu Cuốn theo chiều gió, 300.000 người đã tập trung trước rạp để hoan nghênh đoàn làm phim, bộ phim đã chiếm được tình cảm của cả khán giả lẫn các nhà phê bình.

Clark trở thành vẻ đẹp chuẩn của các quý ông. Cánh mày râu lấy hình tượng Rhett Butler làm thước đo. Từ bộ ria mép cho đến cái nháy mắt rất "tình", những cái nhìn quyến rũ đều được nam giới thời ấy bắt chước học theo.

Tuy để tuột mất giải Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, song cùng với Rhett Butler, Clark Gable đã đi vào lịch sử điện ảnh và sân khấu như một huyền thoại.

Trong sự nghiệp trải dài 4 thập kỷ, Clark Gable từng nhận được 3 đề cử tại giải Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, trong đó có một lần rinh về tượng vàng với phim It happened one night (1934).

It happen one night là một thành công vĩ đại. Gable giành được Giải Oscar cho nam diễn viên chính xuất sắc nhất và tầm cỡ ngôi sao của ông cũng lớn hơn rất nhiều.

Gable cũng nhận được một đề cử Oscar với vai Fletcher Christian trong Mutiny on the Bounty năm 1935. Năm tiếp theo, ông có một loạt phim thành công rực rỡ, đem lại cho Gable danh hiệu "Ông hoàng của Hollywood" năm 1938.

Trong sự nghiệp của mình, nam diễn viên Clark Gable đứng thứ 8 và thứ 21 trong số các ngôi sao điện ảnh vĩ đại nhất do tạp chí Entertainment và Premiere bình chọn. Premiere cũng chọn ông là một trong 100 ngôi sao gợi cảm nhất trong lịch sử điện ảnh.

Người đàn ông "nhất kiến chung tình"

Nổi tiếng với vai Rhett Butler hào hoa, điển trai trong Cuốn theo chiều gió, nam diễn viên Clark Gable là một trong những người đàn ông quyến rũ nhất màn ảnh Hollywood. Trải qua nhiều mối tình chớp nhoáng, nhưng cả đời Gable chỉ yêu một người.

Thuở còn tay trắng lập nghiệp, Clark Gable gặp nữ diễn viên Franz Dorfler, hai người nhanh chóng đính ước. Để giúp hôn phu có được sự nghiệp, Dorfler đã giới thiệu Gable với nữ diễn viên kịch Josephine Dillon những mong Dillon sẽ chỉ bảo giúp Gable mau tiến bộ.

Dorfler không thể ngờ rằng hai cô trò chênh nhau 17 tuổi lại có thể nảy sinh tình ý. Gable liền hủy hôn ước với Dorfler để kết hôn với chính Josephine Dillon.

Tuy nhiên cuộc hôn nhân này nhanh chóng tan vỡ do những mâu thuẫn và bất đồng. Ít lâu sau, Clark cưới một phụ nữ giàu có và quyền lực ở Texas - bà Ria Franklin Prentiss Lucas Langham tại California.

Trước khi tới với Gable, Langham đã có hai đời chồng và có hai con riêng. Langham đã phải lòng Gable ngay từ lần gặp đầu tiên và muốn được tái giá với Gable.

Năm 1932, Gable và Lombard quen nhau trên phim trường No man of her own, khi đó, cả hai đều đã có gia đình.

Năm 1939, Clark Gable kết hôn với Carole Lombard - người vợ thứ ba và là người ông yêu thương nhất trong cuộc đời đa tình của mình.

Trong suốt gần 7 năm, cặp đôi lén lút qua lại và tới năm 1939, cả hai quyết định đến với nhau đường đường chính chính.

Lombard là một ngôi sao thành công rực rỡ và có thu nhập cao chót vót. Sắc đẹp rạng rỡ với mái tóc vàng óng ả cùng cá tính của bà đã thu hút Gable hơn bao giờ hết.

Cặp uyên ương đã cùng nhau hưởng những giây phút đẹp nhất của tình yêu, thế nhưng hạnh phúc ấy lại quá ngắn ngủi.

Ngày 16/1/1942, sau khi hoàn thành bộ phim thứ 57 và cũng là bộ phim cuối cùng của mình - To be or not to be, Carole gặp tai nạn máy bay ở một ngọn núi gần Las Vegas.

Toàn bộ hành khách tử nạn, trong đó có cả mẹ của Carole và chuyên gia quảng cáo của MGM Otto Winkler (chứng nhân đám cưới của Gable và Lombard).

Sau cái chết của vợ, Gable rơi vào tuyệt vọng, ông tìm đến thứ men cay nồng trong nhiều tháng trời để khuây khoả nỗi thương nhớ người vợ mình hết mực yêu thương.

Về sau, Clark đã trải qua thêm 2 mối tình nữa, thế nhưng có lẽ trái tim của ông đã chết theo Carole mất rồi!

Ngôi sao sáng vội Cuốn theo chiều gió

The Misfits hoàn thành và chưa kịp công chiếu, Clark Gable đã đột ngột ra đi do một cơn đột quỵ ngày 16/11/1960, đúng 10 ngày sau ca phẫu thuật tim. 

Cái chết bất ngờ của nam diễn viên điển trai này được kết luận là do suy nhược. Trước khi tham gia bộ phim cuối cùng The Misfits, Clark đã phải ép cân, đồng thời với việc hút thuốc và uống rượu thường xuyên đặc biệt là whisky, ông đã sút gần 20kg.

Khi qua đời, Clark Gable được chôn cất với đầy đủ nghi lễ của lực lượng không quân - đơn vị ông đã chiến đấu trong thế chiến thứ II.

Ông đã yên nghỉ tại nghĩa trang Forest Lawn, Great Mausoleum, bên cạnh mộ của Carole Lombard - người vợ mà Clark yêu hơn cả cuộc đời mình.

Sự ra đi đột ngột của Clark Gable được coi là một sự mất mát lớn với điện ảnh thế giới. Robert Taylor ca ngợi ông "Clark là anh chàng vĩ đại, vĩ đại và chắc chắn là một trong những ngôi sao vĩ đại nhất mọi thời đại, nếu không phải là vĩ đại nhất. Tôi nghĩ tôi thực sự nghi ngại rằng liệu còn có thể ai nữa như Clark Gable. Anh ta là duy nhất".

Minh Anh