Văn hoá

Chuyện về những chàng trai nuôi khát vọng vượt biển bằng thuyền buồm tre Việt

Nhận thấy tinh hoa trong kỹ thuật đóng thuyền truyền thống Việt Nam đang dần bị mai một, nhóm của anh Đỗ Nguyên Ái đã thực hiện dự án vượt biển trên những chiếc thuyền tre Việt với hải trình kéo dài 1207 hải lí chạy dọc bờ biển đất nước.

Những ngày đầu năm 2019, chúng tôi có dịp gặp anh Đỗ Nguyên Ái và những người bạn cùng chí hướng nghiên cứu thuyền buồm tại làng mộc Kim Bồng, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Lúc này nhóm anh Ái đang tất bật chuẩn bị cho chặng đường tiếp theo đến TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) bằng hai chiếc bè tre. Điều đặc biệt ở 2 chiếc bè tre này được đóng theo kỹ thuật truyền thống của ông cha ta ngày xưa, sẵn sàng dong buồn vươn khơi, vượt biển.

Trò chuyện cùng anh, chúng tôi nhận thấy rõ nỗi đau đáu mong muốn tìm lại những giá trị của những chiếc thuyền Việt, khi những tinh hoa trong kỹ thuật Hàng hải của ông cha ta giờ đây đang dần bị thất lạc. Vốn là người chơi thuyền buồm lâu năm, anh Ái và nhóm bè bạn luôn khao khát khôi phục lại những giá trị ấy. Điều đó đã tạo động lực cho anh Ái và nhóm thuyền buồm thực hiện dự án “Bè tre Việt Nam 2019”.

Một trong hai chiếc bè đang neo đậu tại TP Hội An, chuẩn bị tiếp tục hải trình.

Ròng rã trong suốt 6 năm, những chuyến đi đến các làng chài cổ, tìm gặp bằng được những nghệ nhân đóng thuyền, rồi lại trằn trọc cả đêm tìm tài liệu, nghiên cứu, phác thảo…cứ hết nháp bản này đến bản khác. Kể cả từng thanh tre, luồng, từng sợi cước…cũng được anh tỉ mỉ lựa chọn.

Giữa cái nắng gay gắt của dải biển miền Trung, cơ duyên như đặt lên đôi vai của anh Ái, khi anh may mắn gặp được một số người thợ còn lưu giữ lại kỹ thuật đóng thuyền truyền thống tại Thanh Hóa. “Những người thợ ấy là những truyền nhân, hầu như đã già và hậu thế về sau không mấy ai theo nghề này nữa. Nhưng mà họ rất vui khi nghe tôi bày tỏ nguyện vọng mong muốn được biết về kỹ thuật đóng thuyền”, anh Ái tâm sự.

Tháng 10 năm 2018, nhóm anh Ái bắt tay vào triển khai đóng những mảng thuyền đầu tiên. Dù đã tìm hiểu rất kỹ về kĩ thuật nhưng để đóng một chiếc buồm tre theo đúng kỹ thuật truyền thống quả là không dễ dàng.

Anh Ái chia sẻ: “Bè Sầm Sơn (Thanh Hóa) tuy thô sơ, nhưng chúng vận hành vô cùng linh hoạt có thể đi ngược gió và có khả năng tự hành bằng cách thay đổi độ cắm sâu của các xiếm. Kỹ thuật này trên thế giới chỉ tồn tại ở hai nơi là Việt Nam và ngư dân Nam Mỹ”.

Những chiếc buồm tre vững chãi giữa biển trong ngày hạ thủy (Ảnh: NVCC)

Sau một tháng khởi công, hai chiếc bè mang tên Nhụy Kiều và Bình Định Vương được hạ thủy. Mỗi chiếc dài 10m và rộng 2.9m, được trang bị ba cánh buồm và một động cơ phụ có thể chở từ 3-4 người. Ngoài ra để đảm bản an toàn cho các thành viên, hai bè được trang bị thêm một số dụng cụ hiện đại khác.

Chiếc Nhụy Kiều được lấy tên theo danh hiệu bà Triệu. Đây là chiếc cổ điển với 27 cây luồng, 3 xiêm và 3 buồm tứ giác chéo nhau 1/3. Còn bè Bình Định Vương được lấy tên theo danh hiệu của Đức Lê Thái Tổ. Bè được cải tiến với 3 buồm dơi Hạ Long, hơn chục cây luồng được bổ sung, đáy được tách 3 nhóm với 2 lớp giống như một con thuyền 3 thân.

Nhằm có được số liệu chính xác, nhóm thuyền buồm anh Ái đã thực hiện một chuyến hải trình dài 1207 hải lý, từ Sầm Sơn đến Phú Quốc chia làm 10 chặng đường. Chuyến hải trình này được các thành viên trong đoàn quay phim và ghi chép cẩn thận để cho ra một bộ hồ sơ hoàn chỉnh.

Hiện nay, nhóm bè tre Việt Nam 2019 đã thực hiện được 3 chặng đường với 9 ngày trên biển. Trong những ngày tới nhóm của anh Đỗ Nguyên Ái sẽ tiếp tục với 7 chặng đường tiếp theo để đi đến Phú Quốc.

“Mong muốn của chúng tôi là mỗi năm ở từng vùng khác nhau sẽ đóng được một chiếc thuyền theo đúng kỹ thuật của địa phương đó. Sau các chuyến hải trình, thuyền, bè sẽ được lưu giữ lại, đến khi đã có vài chục chiếc, chúng tôi sẽ xây dụng một bảo tàng Hàng hải với đầy đủ các tư liệu”, đó là niềm khát vọng mà anh Ái cũng như các thành viên trong nhóm bè tre Việt Nam mong muốn.

Tấn Phước