Văn hoá

Chuyện về người phụ nữ duy nhất trên con đò oai hùng giữa mưa bom bão đạn

Nhiều người khi về thăm Thành Cổ Quảng Trị vẫn thường nán lại rất lâu trước bức ảnh một cụ già lái đò với nụ cười tươi vui, bên cạnh một thiếu nữ trẻ duy nhất tay ôm chắc cây súng trên con thuyền chở theo hàng chục chiến sĩ bộ đội giải phóng đang hào sảng, oai hùng giữa mưa bom, bão đạn.

Về với Thành cổ Quảng Trị dịp cuối tháng 7, khi cả nước đang trong không khí kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, không khó để bắt gặp hình ảnh cựu binh đang lặng lẽ đứng nhìn các kỷ vật của đồng đội, những nữ cựu thanh niên xung phong lau vội giọt nước mắt trước lời thuyết minh của hướng dẫn viên về quá khứ bi hùng đầy đau thương, anh dũng nơi vùng đất lửa.

Một số di vật của người lính tham gia cuộc chiến bảo vệ Thành cổ.

81 ngày đêm, mùa hè đổ lửa năm 1972, biết bao nhiêu chiến sỹ đã hi sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng, máu xương các anh có thể đã hóa thành từng cây cỏ, thớ đất Thành cổ nhưng hình ảnh cùng ý chí của các anh vẫn còn mãi sống, khắc sâu trong lòng người ở lại.

Thành cổ Quảng Trị giờ đây như một “bảo tàng chiến tranh” không chỉ với các chứng tích về những đoạn tường thành đổ nát, ghi dấu sự khốc liệt của bom đạn mà còn lưu giữ hàng trăm kỷ vật có giá trị lịch sử, nhân văn về những con người từng tham gia cuộc chiến bảo vệ mảnh đất này.

Trong số những kỷ vật ấy, nhiều người thường nán lại rất lâu trước bức ảnh một cụ già lái đò với nụ cười tươi vui bên cạnh một thiếu nữ trẻ tay ôm chắc cây súng trên thuyền chở theo hàng chục chiến sĩ bộ đội giải phóng đang hào sảng vui cười.

Bức ảnh hai cha con lão ngư dân Nguyễn Con chèo đò chở bộ đội qua sông do nhà báo Đoàn Công Tính chụp năm 1972.

Theo lời giới thiệu của nhân viên Bảo tàng, người lái đò với nụ cười tươi vui trong bức ảnh chính là cụ Nguyễn Con (quê ở làng Giang Hến, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) và người thiếu nữ tay ôm súng là bà Nguyễn Thị Thu (SN 1954), con dâu cụ Con. Bức ảnh được nhà báo Đoàn Công Tính  chụp vào thời điểm diễn ra cuộc chiến 81 ngày đêm đỏ lửa năm 1972.

Lần theo lời hướng dẫn, PV tìm về  làng Giang Hến nay là Tiểu khu 5, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong để gặp bà Nguyễn Thị Thu, người phụ nữ duy nhất trong bức ảnh. 47 năm trôi qua, cô du kích lái đò trẻ tuổi năm nào nay đã là bà nội, bà ngoại.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 với đầy những giấy khen, hình ảnh chụp cùng các chiến sĩ bộ đội giải phóng tham gia trận chiến bảo vệ Thành cổ, bà Thu cho biết, dù chiến tranh đã qua đi nhưng bà vẫn bị ám ảnh bởi cảnh bom đạn, chết chóc. Trong chiến tranh, dù không bị thương nhưng nhiều lần bị sức ép của bom đạn đến bất tỉnh khiến sức khỏe và trí nhớ của bà cũng giảm sút đi nhiều.

Sức khỏe bà Thu đã giảm sút nhiều do trước đây nhiều lần bị sức ép của bom đạn đến bất tỉnh. 

Quay về dòng lịch sử, năm 1972, với âm mưu “Bắc tiến” quân Mỹ dốc toàn bộ lực lượng với vũ khí hiện đại hòng chiếm lại Thành cổ trong 10 ngày. Để bảo vệ Thành Cổ, quân đội ta phải huy động lực lượng để đánh bật các đợt tấn công của quân địch. Thời điểm đó muốn đưa được bộ đội vào Thành cổ nhanh và an toàn chỉ có một con đường duy nhất là dùng đò vượt sông Thạch Hãn. Tuy vậy, việc làm này là hết sức khó khăn và nguy hiểm.

Bà Thu nhớ lúc ấy mình chỉ mới 18 tuổi. Vừa vào du kích được khoảng 3 tháng thì nhận được nhiệm vụ làm giao liên, cùng cha chồng chèo đò chở bộ đội và vũ khí, lương thực vượt sông Thạch Hãn chi viện cho Thành cổ.

Tuy gọi là con dâu, nhưng thời điểm đó bà Thu và con trai “thuyền trưởng” Nguyễn Con chỉ vừa làm lễ ăn hỏi. Cụ Con thì vốn làm nghề cào hến nên thông thuộc mọi chỗ nông sâu ở khúc sông này. Hai cha con ông đã không ngại nguy hiểm nhận nhiệm vụ, khôn khéo chèo lái đò đưa bộ đội vượt sông.

Bà Thu kể, ngày đó máy bay địch suốt ngày lượn ở trên sông. Nước sông Thạch Hãn lúc nào cũng vàng ố, đục ngầu cuộn chảy vì bom đạn trút xuống như mưa. Có lần đang làm nhiệm vụ thì bị địch phục kích, các chiến sĩ giục hai cha con nhảy xuống sông bơi vào chỗ an toàn. Nhưng hai cha con vẫn quyết bám đò để hoàn thành nhiệm vụ.

Cứ vậy, giữa mưa bom, bão đạn suốt 81 ngày đêm, không biết bao nhiêu lần hai cha con ngư dân Triệu Phong cầm chắc tay chèo, băng trên con nước để đưa bộ đội, vũ khí sang sông tiếp tế cho Thành cổ. Xong lại quay ngược đò chở thương binh về lại hậu phương.

 “Những chiến sĩ của ta ngày đó còn rất trẻ, có những chiến sĩ chỉ vừa mười tám đôi mươi. Tôi vẫn nhớ có một lần chở thương bệnh binh về tuyến sau, khi đò đã cập bến an toàn thì có một chiến sĩ trẻ chỉ kịp kêu lên một tiếng “mẹ ơi đau quá…” rồi trút hơi thở cuối cùng”, bà Thu nhớ lại trong nước mắt.

Giữa tháng 9/1972, trận chiến 81 ngày đêm Thành cổ kết thúc. Chiến thắng ở Thành cổ đã tạo đà lợi thế cho ta trên hội nghị đàm phán Hiệp định Pari năm 1973. Trong chiến thắng ấy có một phần nhỏ đóng góp của hai cha con lão ngư dân Triệu Phong.

Đất nước thống nhất, hai cha con lão ngư Nguyễn Con quay lại cuộc sống đời thường, gắn bó với công việc cào hến mưu sinh trên sông Thạch Hãn. Năm 1976, bà Thu chính thức kết hôn với ông Nguyễn Câu (con trai cụ Nguyễn Con). Đến năm 1978, cụ Con vì tuổi cao sức yếu, bệnh tật nên qua đời.

 “Nhiều đêm nằm ngủ bà ấy vẫn hay giật mình. Sức khỏe giờ cũng đã yếu nhiều nên ở nhà chỉ phụ giúp chăn nuôi lợn, gà. Cuộc sống của gia đình tôi cũng vất vả, phụ thuộc cả vào công việc cào hến may nhờ rủi chịu ở con nước trên sông Thạch Hãn”, ông Nguyễn Câu (chồng bà Thu) tâm sự.

Khó khăn là vậy, thế nhưng vượt qua tất cả hai vợ chồng bà Thu đã cùng nhau xây dựng gia đình. Đến nay cả hai đã có chung 4 người con. Các con của ông bà nay đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định.

Bà Thu chia sẻ: “Cuộc sống của tôi tuy còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn không thể nào so sánh được với những hy sinh, mất mát của các chiến sỹ đã ngã xuống vì đất nước. Tôi vẫn còn sống được đến ngày hôm nay đã là một điều may mắn rồi”.

Trong không gian trầm lắng của chiều tháng Bảy bên dòng sông Thạch Hãn, chia tay PV, bà Thu nhẹ nhàng đọc lại những vần thơ xúc động:

“Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

 Có tuổi hai mươi thành sóng nước

 Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm…”