Văn hoá

Chuyện về người lặng thầm “truyền lửa” bài chòi ở Khánh Hòa

Không chỉ sống cùng niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật bài chòi, ông Nguyễn Tuấn Anh còn thầm lặng “truyền lửa” bài chòi cho thế hệ sau.

Mê hát bài chòi

Lớn lên với những điệu bài chòi, ông Hai Điểm (tên thường gọi của nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh, SN 1960, trú phường Cam Lộc, Tp.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) có một tình yêu đặc biệt với nghệ thuật này. Tuy đã lớn tuổi, nhưng hễ có người mời hoặc rủ đi hát bài chòi là ông sẵn sàng lên đường, không ngại nắng mưa. Ông hát không chỉ thỏa mãn niềm đam mê của mình mà còn mong muốn truyền tình yêu đó đến mọi người.

Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Tôi vốn sinh ra ở tỉnh Bình Định. Dù không qua trường lớp nào cụ thể nhưng nghe ba mẹ, xóm giềng hát nên những điệu bài chòi đã thấm dần vào trong tôi lúc nào không hay. Tuy vào Khánh Hòa cùng gia đình từ năm 11 tuổi nhưng ba mẹ vẫn thường xuyên hát nên tình yêu với bài chòi cứ lớn dần và theo tôi đến tận bây giờ. Năm 14 tuổi, tôi đã có thể hát được 4 làn điệu chính của bài chòi cổ là xuân nữ, xàng xê, cổ bản, hò quảng. Khi 19, 20 tuổi, tôi đã hát thành thục các làn điệu, tham gia biểu diễn ở các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng trong và ngoài tỉnh”.

Năm 1979, ông đạt được huy chương vàng cá nhân tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Phú Khánh và huy chương bạc đơn ca bài chòi tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng toàn quốc. Đến năm 1987, ông tiếp tục có thêm huy chương vàng Hội diễn Nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh…

Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh đã đạt được nhiều giải thưởng trong các kỳ liên hoan nghệ thuật quần chúng.

Ông thường hát những trích đoạn trong vở tuồng Thoại Khanh - Châu Tuấn, đơn ca Dưới mái trường Dục Thanh, Những đoàn quân tình nguyện… Sau này, ông còn học hát thêm điệu lý quân khu 5.

Vừa trò chuyện, ông vừa hát cho chúng tôi nghe, những câu trong bài “Bầm ơi” theo làn điệu xuân nữ của bài chòi. Những câu ca mộc mạc, gần gũi và đượm tình được ông hát say mê: “…Bầm ơi có rét không bầm/Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn/Bầm ra ruộng cấy bầm run/Chân lội dưới bùn tay cấy mạ non/Mạ non bầm cấy mấy đon/Ruột gan bầm lại thương con mấy lần/Mưa phùn ướt áo tứ thân/Mưa bao nhiêu hạt con thương bầm bấy nhiêu/Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều/Thương con bầm chớ lo nhiều bầm ơi!”…

Dù khi còn trẻ hay bây giờ đã lớn tuổi, trong cuộc sống hàng ngày những điệu bài chòi vẫn theo ông cùng năm tháng. Khi còn làm cán bộ văn hóa hay trở về nuôi trồng thủy sản, ông vẫn ngâm nga những câu hát ấy để nuôi dưỡng tâm hồn yêu nghệ thuật của mình. Đó cũng là cách ông thể hiện tình yêu với bài chòi.

Ông Hai Điểm chia sẻ: “Tôi hát rồi tự rút ra cho mình những chỗ đã được và những chỗ cần chỉnh sửa. Trong những kỳ đi hội diễn văn nghệ quần chúng thì tôi trao đổi với anh em, bạn bè nhờ họ chỉ dạy, sửa những chỗ chưa tốt để rút kinh nghiệm hát tốt hơn”.

Với tinh thần ham học hỏi, tự rèn luyện bản thân cộng với những trải nghiệm từ thực tế, ông rút ra cho bản thân mình cách hát, cách diễn phù hợp nhất. Điều đó đã giúp ông tạo được một dấu ấn, phong cách riêng với khán giả.

“Cứ có chuyện buồn hay chuyện vui, anh em, bạn bè lại gọi nhau giao lưu, sinh hoạt văn nghệ và hát bài chòi. Tôi “mê” hát nên khi có hội diễn văn nghệ quần chúng thì đều tham gia. Ngoài hát những trích đoạn, đơn ca, tôi còn tham gia kịch ngắn, tiểu phẩm” – ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.

Dù chỉ tham gia nghệ thuật quần chúng, xem việc ca hát là “món ăn tinh thần” trong đời sống hàng ngày, nhưng tài năng của nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh lại nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn. Trong nhiều năm qua, ông là hạt nhân phong trào văn hóa, văn nghệ của Tp.Cam Ranh.

“Truyền lửa” bài chòi cho thế hệ trẻ

Không chỉ hát bài chòi để thỏa mãn đam mê mà ông còn “thắp lửa” tình yêu nghệ thuật truyền thống ấy đến với mọi người, nhất là thế hệ trẻ. Trong suốt mấy chục năm qua, hình ảnh ông Hai Điểm trở nên quen thuộc đối với người dân Tp.Cam Ranh khi mỗi kỳ hội hè, ông thường ra góp vui bằng những câu hát. Từ đó, góp phần vào việc xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương. Niềm vui của ông được nhân lên gấp bội khi những làn điệu bài chòi ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Nghe ông hát nên nhiều cũng “mê” những làn điệu bài chòi và nhờ ông truyền dạy lại những kỹ năng, kiến thức về loại hình nghệ thuật này. Trong những lần tham gia văn nghệ quần chúng tại các xã, phường của Tp.Cam Ranh, chị Đào Thị Kim Loan (trú ở phường Cam Phúc Bắc, Tp.Cam Ranh, hiện là giáo viên mầm non) biết đến ông Hai Điểm qua những câu hát bài chòi.

Qua sự giới thiệu của mọi người, đến nay, chị đã theo học nghệ thuật bài chòi từ ông Hai Điểm gần 10 năm. Khi theo học, chị Loan được ông chỉ bảo tận tình, kỹ lưỡng. Ông hướng dẫn người học từ cách lấy hơi, giữ nhịp đến những kỹ thuật luyến láy sao cho hay, cho nhuyễn. Từng làn điệu, mỗi lời ca đều được ông tỉ mỉ chỉ dạy để người học nắm được một cách chắc nhất.

“Cứ có chỗ nào chưa hiểu, hát chưa đúng thì tôi lại hỏi và được ông chỉ bảo nhiệt tình, vui vẻ. Việc chỉ dạy nghệ thuật bài chòi được ông Hai Điểm thực hiện bằng cả tâm huyết, tình cảm nên những người theo học như tôi luôn cảm thấy thoải mái. Càng học tôi càng yêu thích bài chòi” – chị Loan cho biết.

Đến nay, sau thời gian theo học, chị Loan đã có thể hát được 4 làn điệu của dân ca bài chòi cổ. Hiện, chị đang là một hạt nhân phong trào văn nghệ ở phường Cam Thuận, Tp.Cam Ranh.

Tiếp bước ông Hai Điểm, trong những tiết dạy ở trường cho các em học sinh mầm non, chị thường xen vào những điệu lý, điệu bài chòi đơn giản để gieo niềm yêu mến với nghệ thuật dân gian này đến các em nhỏ.

Không chỉ hát để thỏa mãn niềm đam mê của mình mà ông Hai Điểm còn "truyền lửa" bài chòi đến thế hệ sau.

Còn ông Nguyễn Diện (Tp.Cam Ranh) cũng cho hay: “Dù ông Hai Điểm không mở lớp nhưng vẫn âm thầm truyền dạy bài chòi cho nhiều người. Những năm qua, tôi cũng theo học ông. Ông hát rất tốt và nhiệt tình trong việc chỉ dạy”.

Nói về mong ước của mình, nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: “Tôi mong các câu lạc bộ bài chòi được nhân rộng để phát triển nghệ thuật này, không để bị mai một theo thời gian và cũng là để lại giá trị văn hóa cho con cháu mai sau”.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lên Thủ tướng Chính phủ để trình Chủ tịch nước công nhận. Trong danh sách đó có tên của nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh.

Châu Tường