Bình tĩnh sống

Chuyện về người làm di ảnh cho bệnh nhân mất vì Covid-19

“Tôi cũng hy vọng là tôi sẽ “thất nghiệp”, làm ít đi vì đó là tín hiệu tích cực”, anh Ân nói.

Cả khu chợ đều… sốc

“Sinh sống và làm việc tại đây nhiều năm như vậy rồi, tôi chưa bao giờ thấy khu phố tôi ở lại vắng lặng đến thế”, đây là chia sẻ đầu tiên của anh Nguyễn Ân (33 tuổi, quận Gò Vấp, Tp.HCM) khi trò chuyện với Người Đưa Tin về thời điểm Tp.HCM phát hiện nhiều F0, số ca nhiễm mới tăng lên hàng ngày.

Nhớ lại khoảng thời gian đầu giãn cách, anh Ân cho hay: “Nhà tôi ở trong khu chợ Chợ Xóm Mới Gò Vấp, khi có Chỉ thị đóng cửa hoàn toàn các chợ truyền thống thì tất cả mọi người đều sốc. Vì trong mấy chục năm trời buôn bán trong khu chợ sầm uất nhất, chưa bao giờ thấy khu chợ được “ngủ” một ngày trừ mùng 1 Tết. Cảm giác sốc tâm lý đột ngột xảy đến với tất cả mọi người chứ không chỉ riêng với gia đình tôi. Ngày mùng 1 Tết còn thấy người, xe đi lại, còn những ngày này ngoài đường không thấy bóng dáng một ai hết, chỉ nhìn thấy hình ảnh các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ”.

Mặc dù không khí buồn, vắng lặng là vậy nhưng anh Ân cũng như mọi người hiểu được mức độ nguy hiểm của biến thể Delta. Riêng với gia đình, anh Ân cho rằng điều trước tiên mình cần làm là phải bảo vệ vững chắc sức khoẻ của cả gia đình.

“Bởi tôi nghĩ, trên hết là sức khoẻ, còn sức khoẻ còn làm được, còn kiếm tiền được, không nhất thiết phải cố gắng gồng lên trong những ngày dịch…”, anh Ân chia sẻ.

Dịch bệnh nhưng cả gia đình có thời gian để quây quần bên nhau nhiều hơn.

Anh Ân cho biết công việc của anh là thiết kế in áo thun và sản xuất đồng phục, nên dịch bệnh xảy ra phải tạm ngừng công việc. Khoảng thời gian ở nhà nhiều anh mới nhận thấy rằng mình còn được ở bên bố mẹ người thân là điều may mắn nhất.

Hàng ngày, anh ăn sáng cùng bố mẹ, chơi đùa cùng con, trò chuyện với các thành viên trong gia đình. “Tuy không được ra ngoài, nhưng bù lại vợ chồng, con cái, bố mẹ hàng ngày đều quây quần bên nhau”, anh Ân chia sẻ.

Mỗi bức ảnh là một câu chuyện

Trong những ngày giãn cách, anh Ân cũng thường xuyên cập nhật tin tức dịch bệnh và thấy số lượng ca tử vong hàng ngày nhiều. Từ những thông tin đó, anh Ân suy nghĩ mông lung “liệu những người mất vì Covid-19 họ có được làm những tấm ảnh thờ?” trong khi đó các cơ sở in ấn tại Tp.HCM đóng cửa, người dân gặp nhiều khó khăn khi tìm chỗ làm ảnh thờ cho người thân.

Sau vài ngày suy nghĩ về điều này, anh Ân quyết định đăng ý tưởng lên trang cá nhân là làm ảnh thờ miễn phí. Ban đầu anh cũng sợ rằng sẽ có những ý kiến trái chiều, thế nhưng ngược lại rất nhiều người lại chia sẻ và ủng hộ ý tưởng của anh.

“Tôi vừa đăng tin lên thì đã nhận được khoảng 40 bức hình để làm di ảnh. Lúc này tôi thấy rằng, những điều tôi suy nghĩ là đúng trong thời điểm hiện tại”, anh Ân chia sẻ về khoảng thời gian quyết định làm ảnh thờ miễn phí.

Bắt đầu làm ảnh thờ miễn phí cho người thân có người mất vì Covid-19 từ ngày 23/8 đến nay số lượng đã lên đến hàng trăm bức, anh Ân bảo “mỗi bức hình là một câu chuyện”. Bởi, mỗi người có hoàn cảnh khác nhau.

Khi gợi nhớ lại những câu chuyện buồn đằng sau mỗi tấm ảnh mà anh Ân làm giúp mọi người thời gian qua, anh Ân chia sẻ có lẽ “chuyện của Xuân” là câu chuyện mà tôi nhớ nhất và cả đời sẽ không thể nào quên.

“Đầu tháng 9, tôi nhận được tin nhắn nhờ làm giúp tấm ảnh thờ cho chị Lê Thị Kim Xuân (30 tuổi, Tp.HCM). Chị mất vì Covid-19 khi đang mang thai. Khi chị Xuân mắc bệnh phải gửi hai con cho hàng xóm chăm sóc để vào viện điều trị. Trong khi đó, chồng đi làm việc và bị kẹt tại Vũng Tàu không thể về nhà theo quy định phòng chống dịch”, anh Ân kể.

Bức hình mà anh Ân nhận được là bức hình 3x4 kẹp trên tấm bìa cát-tông để trên ban thờ. “Khi người nhà gửi bức ảnh đó thì cũng rất vất vả để có thể chụp cận được tấm hình. Tôi đã cố gắng để làm, gửi cho gia đình sớm nhất”, anh Ân bộc bạch.

Khi làm ảnh thờ cho Xuân, anh Ân bảo rằng anh không tìm hiểu trước về câu chuyện, nhưng khi làm xong bức hình và vô tình xem lại chương trình VTV đặc biệt có phát phim tài liệu “Ranh giới” về cuộc chiến chống Covid-19. Bất chợt, anh nhìn thấy ca sản phụ đó chính là Xuân, câu chuyện khiến anh ám ảnh, xót xa và thổn thức nhất.

Trong quá trình xử lý ảnh, anh Ân cho biết khó khăn lớn nhất là độ phân giải ảnh thấp, đòi hỏi phải phục chế tỉ mỉ. Có bức hình anh phải làm một buổi sáng, có bức làm từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ mới xong. “Tôi luôn cố gắng làm những tấm hình đẹp nhất, chỉn chu nhất có thể. Bởi, mất vì Covid-19 là điều không thể ngờ và vì không ai có thể chuẩn bị trước cho mình một tấm ảnh thờ”, giọng anh Ân nghẹn lại.

Thời gian đầu mỗi ngày anh Ân xử lý khoảng 40-50 tấm hình, hiện khoảng 10-20 tấm/ngày. “Tôi cũng hy vọng là tôi sẽ “thất nghiệp”, làm ít đi vì đó là tín hiệu tích cực”, anh Ân nói.

Anh Ân bảo rằng anh không ngờ những việc mình làm lại mang đến giá trị tinh thần cho những người thân và mang giá trị thiêng liêng nào đó cho những người đã khuất. Nên, khi nhận được những lời cảm ơn của những người gửi hình cho mình và chúc lại “mong gia đình luôn mạnh khoẻ” thì đó là điều anh cảm thấy hạnh phúc.

Báo đài vẫn đang nói về con số ca nhiễm mới theo từng ngày, còn với anh Ân được ngồi ăn sáng cùng bố mẹ và vợ con lúc này đã là điều quá may mắn.

“Tôi chỉ mong gia đình mình và mọi người đều bình an, mong dịch bệnh sớm qua đi để mỗi người lại được thực hiện công việc mà mình yêu thích ”, anh Ân bày tỏ.

Dành phần trợ cấp cho những người khác

Trong đợt giãn cách, có chính sách trợ cấp cho người thất nghiệp, khó khăn nhưng gia đình anh Ân không nhận hỗ trợ mà nói với tổ trưởng tổ dân phố nhường lại phần đó cho những hoàn cảnh khó khăn hơn. “Đây là bài học cho con cái tôi về việc biết san sẻ với người khác”, anh Ân nói.