Môi trường

Chuyển từ "bị động" ứng phó sang "chủ động" phòng ngừa thiên tai

Việc hành động sớm trong phòng chống thiên tai được Việt Nam triển khai từ lâu, mang lại hiệu quả cao trong giảm thiểu thiệt hại với các hoạt động cảnh báo, dự báo.

Sáng 6/10, Họp báo giới thiệu về Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11 và các hoạt động trong năm Chủ tịch 2023 của Việt Nam với chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu - ASEAN tiến tới mục tiêu lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai” đã được tổ chức.

Phát biểu sự kiện, ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Đông Nam Á được đánh giá là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và dự báo sẽ phải đối mặt với các đợt thiên tai ngày càng gia tăng về tần suất và cường độ. Chính vì vậy, “quản lý rủi ro thiên tai” là nội dung hợp tác được các quốc gia ASEAN chú trọng từ nhiều năm nay, thông qua nhiều công cụ và cơ chế phối hợp”.

Ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT).

Trong đó, Việt Nam đã và đang thể hiện là một thành viên tích cực và có uy tín cao trong khối ASEAN, trong đó hợp tác ASEAN về Quản lý thiên tai là một nội dung hợp tác của ASEAN trong trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. 

Theo trình tự luân phiên giữa các quốc gia ASEAN, năm 2023, Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM), chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11, các phiên họp thường niên và tổ chức các hoạt động hưởng ứng.

Bà Lê Ngọc Hân - Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh được Bộ NN&PTNT lựa chọn làm tổ chức chuỗi sự kiện lần này là cơ hội rất lớn cho người dân của tỉnh được nâng cao nhận thức, chung tay hành động vì mục tiêu quốc gia.

Trả lời các câu hỏi của báo chí liên quan đến “Tuyên bố Hạ Long về hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN”, ông Phạm Đức Luận cho hay, đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất xây dựng, góp phần tạo nên dấu ấn của nước ta trong năm thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN trong quản lý thiên tai, được tất cả các nước ASEAN đánh giá rất cao và đồng thuận.

Cụ thể hơn về nội dung của tuyên bố, ông Phạm Đức Luận nói việc hành động sớm trong phòng chống thiên tai đã được Việt Nam triển khai từ lâu và mang lại hiệu quả cao trong giảm thiểu thiệt hại với các hoạt động cảnh báo, dự báo.

Ví dụ, các công trình được xây dựng sớm sẽ giúp giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thiên tai hay như chủ động nâng cao năng lực cộng đồng để người dân có thể đối phó với thiên tai một cách hiệu quả hơn.

Phòng, chống thiên tai đã triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Phạm Đức Luận cũng đưa ví dụ về dự án phối hợp với FAO để cấp tiền cho người dân trong vùng nguy cơ cao để có thể chủ động mua sắm lương thực, vật dụng thiết yếu để sử dụng trong thiên tai trong giai đoạn đầu, khi chưa có các hoạt động cứu trợ.

Theo thông tin được công bố, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11 có sự tham gia đông nhất của lãnh đạo các quốc gia liên quan từ trước đến nay. Thông qua sự kiện này, Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ về các sáng kiến mà chúng ta đưa ra, bên cạnh đó là lan tỏa kinh nghiệm về ứng phó, hành động sớm đối với thiên tai của Việt Nam.

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai nói, hành động sớm là khái niệm mới mẻ đối với chúng ta, đây là những hoạt động được triển khai trong giai đoạn phòng ngừa, triển khai sớm Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai đã triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa.

Cụ thể, ông Luận cho biết, khi nhận biết bão đang ở Philippines nhưng thông qua các dự báo, Cục đã kêu gọi bà con dời tàu thuyền về bờ, tăng cường công tác thông tin truyền thông đại chúng, kết nối zalo đến từng người dân. Cục cũng xây dựng đội xung kích cơ sở, để kịp thời giúp đỡ người dân ở địa phương sơ tán, giảm thiểu tác động của lũ quét hay sạt lở đất.

Theo ông Phạm Đức Luận, trước đây, Việt Nam thiệt hại trung bình mỗi năm là 1-1,5%GDP, 400 người chết. Từ năm 2017 đến nay thiệt hại giảm 20%, năm 2022 chỉ thiệt hại trên 5.000 tỷ, 200 người chết.

Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai thiệt hại thống kê đầy đủ chi tiết từng năm, trong đó nêu đầy đủ thiệt hại kinh tế và người. Trong 5 năm vừa qua, con số thiệt hại đã giảm nhiều nhờ chuyển từ bị động sang chủ động ứng phó.

Cụ thể, thống kê thiệt hại trên tàu thuyền trên biển của Việt Nam trước đây rất lớn, nhưng từ năm 2012 đến nay hầu như không có thiệt hại về người trên biển nhờ chủ trương “tính mạng con người là trên hết, hạn chế tối đa”.