Dân sinh

Chuyện ở xóm chăn bò thuê trên đỉnh đèo Chư Sê

Xuất phát từ nhiều vùng quê khác nhau, cùng chung cảnh nghèo khó, họ tụ tập về đỉnh đèo Chư Sê thành lập xóm chăn bò thuê, định cư lập nghiệp.

 “Cao bồi” nơi đỉnh đèo

Xóm chăn bò thuê nằm trên đỉnh đèo Chư Sê ở làng Ring, xã H’Bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Không biết xóm chăn bò được hình thành từ lúc nào, ban đầu chỉ lác đác vài ba túp lều tạm bợ của những người Ja Rai bản địa làm công việc chăm coi đàn bò thuê cho chủ. Dần dà, có thêm nhiều người từ nhiều vùng miền có hoàn cảnh khốn khó quy tụ về đỉnh đèo làm công việc chăn bò thuê.

Đến nay, trên đỉnh đèo có đến vài chục nóc nhà mọc lên, người dân xung quanh thường gọi nơi đây với cái tên gần gũi xóm chăn bò thuê. Nhờ sự chăm chỉ, cần cù, chịu khó những “cao bồi” tay trắng chăn bò thuê năm xưa đã đổi vận, có người sở hữu đàn bò có đến hàng trăm con.

Từ tuyến đường Hồ Chí Minh theo hướng Gia Lai – Đăk Lăk, đến đoạn đường tránh Chư Sê, rẽ trái vào tuyến Quốc lộ 25, xuôi theo khoảng 30km, xóm chăn bò nằm tách biệt ngay trên đỉnh đèo.

Trước mắt chúng tôi là hình ảnh vài chục ngôi nhà được lợp bằng tôn tạm bợ. Thoang thoảng bao trùm trong gió mùi khai đặc trưng không lẫn vào đâu được của xóm chăn bò. Ngoài bãi đất trống, hàng trăm con bò lớn nhỏ đủ loại đang nhai rơm.

Xóm “chăn bò” trên đỉnh đèo Chư Sê, xã H’Bông, huyện Chư Sê, Gia Lai.

Trò chuyện với PV Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Quy (SN 1965) chia sẻ, bà không biết rõ xóm chăn bò được hình thành từ lúc nào. Ngày đầu bà đến đây làm công việc chăn bò thuê chỉ lác đác một vài ba túp lều tạm bợ của người dân địa phương.

Trải qua từng năm, số lượng người tìm đến đây chăn bò thuê ngày càng nhiều nhà cửa cứ thế mọc lên nhiều. Mỗi khi nhắc đến địa điểm này, để dễ nhận biết người dân khu vực lân cận họ thường gọi với cái tên xóm chăn bò.

Bà Quy tâm sự: “Tôi mồ côi cha mẹ, bản thân lại bị tật một bên chân, di chuyển khó khăn. Vì cuộc sống ở quê vất vả, cách đây hơn 20 năm tôi rời quê Quảng Ngãi, lên huyện Chư Sê để lập nghiệp.

Để bám trụ cuộc sống nơi đất khách, tôi làm đủ mọi nghề từ hái tiêu, hái cà phê thuê, làm cỏ mướn. Sau này, tôi mày mò xuống gặp chủ để xin vài chục con bò về chăn thuê.

“Xin chăn bò không dễ, bởi nhiều chủ họ thấy tôi bị khuyết tật ở chân nên không nhận. Tình cờ, một hôm tôi đi cắt lúa thuê gần trang trại bò và xin được nhận bò chăn thuê. Thấy tôi dù bị tật, hoàn cảnh khó khăn nhưng chịu khó nên ông chủ đã đồng ý và hỗ trợ tiền”, bà Quy nhớ lại.

Nhiều người từ tỉnh khác vào huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai lập nghiệp bằng nghề chăn bò thuê rồi giờ thành chủ của đàn bò trăm con.

Theo bà Quy, chân bị tật, di chuyển khó khăn nên khi phải trông vài chục con bò dưới cái tiết trời nắng như đổ lửa ở địa hình dốc đứng của đỉnh đèo rất vất vả. Hồi đó, tiền công chăn bò thuê mỗi ngày chỉ có 10 - 20 nghìn đồng/ ngày. Tuy đồng lương ít ỏi, nhưng bà luôn chịu khó dành dụm từng đồng, rồi dần dần mua đàn bò cho riêng mình.

Ngoài ra, mỗi năm còn được ông chủ trang trại cho một con bò về nuôi để làm vốn. Đến nay, bà Quy sở hữu đàn bò hơn 100 con.

Bà Quy phấn khởi chia sẻ: “Mỗi tháng, tôi xuất bán từ 3 - 5 con, trung bình giá từ 10 - 40 triệu đồng/con (tùy theo bò to hay nhỏ). Ngoài ra, tôi còn có thêm thu nhập từ việc bán phân bò với số tiền thu được khoảng hơn 70 triệu đồng/năm.

Đàn bò trăm con từ bàn tay trắng của bà Nguyễn Thị Quy, 57 tuổi, làng Ring, xã Hbông, Chư Sê, Gia Lai.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Đạo (SN 1965) cũng là một trong những người di cư lên làng Ring, xã H’Bông từ rất sớm để hành nghề chăn bò thuê.

Ông Đạo cho biết, năm 2003 hai vợ chồng ông dắt theo 2 người con rời quê hương Bình Định lên đây kiếm sống. Năm 2003, ông nhận chăn thuê 30 con bò.

Sau 4 năm làm nghề chăn bò thuê, ông Đạo đã tích góp và mua cho mình 40 con bò. Từ đó, ông tập trung chăm đàn bò của gia đình và trồng thêm cây hồ tiêu để phát triển kinh tế.

“Đến thời điểm hiện tại, tôi đã có tổng cộng 80 con bò. Mỗi tháng sẽ xuất bán 2 - 4 con, trung bình giá một con là 8 triệu - 30 triệu (tùy vào kích cỡ từng con). Như vậy, gia đình tôi thu được hơn 100 triệu đồng/năm, có tháng không bán được con nào cả vì còn tùy vào khách họ cần bò.

Còn phân bò bán mỗi khối khoảng 500 nghìn đồng, cũng thu được 50 - 60 triệu đồng/năm. Thu nhập từ việc bán bò và phân của nó giúp gia đình tôi khá giả hơn, có điều kiện lo cho con cái ăn học và trang trải cuộc sống”, ông Đạo cho hay.

Nhiều người ở tỉnh khác bám trụ tại vùng đất nghèo này cả 20 năm và sẽ tiếp tục với nghề nuôi và chăn thả bò.

Xóm chăn bò "đổi vận"

Trao đổi với PV, ông Phạm Hữu Viên, Chủ tịch UBND xã H’bông cho biết: “Tổng đàn bò trên địa bàn xã năm 2020 là 4.724 con, đến năm 2021 là 6.010 con, kế hoạch đề ra trong năm 2022 đạt 6.100 con. Trong đó tổng đàn bò của làng Ring gần 1.800 con. Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi bò ở làng Rinh nói riêng và cả xã nói chung đang cho thu nhập cao.

Người dân làng Ring chủ yếu sống bằng nghề chăn bò, có hộ chăn nuôi bò của gia đình, có hộ thì chăn nuôi thuê cho các trang trại. Cuộc sống của xóm dân cư này những năm gần đây được nâng lên đáng kể. Dù không giàu có nhưng thu nhập từ chăn nuôi bò cũng giúp cho nhiều hộ gia đình trở nên khá giả”.

Theo ông Viên, hiện nay ở một số nơi vẫn còn tình trạng thả rông gia súc. Tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, mang đậm tính tự cung, tự cấp. Chính vì vậy, UBND xã phải thường xuyên chủ động tuyên truyền để đảm bảo tiêm phòng dịch bệnh, phát triển trồng cỏ để tự chủ về nguồn thức ăn.

UBND xã đang kiến nghị về xây dựng một số chuỗi liên kết chăn nuôi và triển khai các đề án, dự án, mô hình nhằm mục đích nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua mô hình chăn nuôi đang là thế mạnh của vùng.